Vụ việc ngộ độc thực phẩm tại một trường Tiểu học trên địa bàn thành phố Ninh Bình đầu tháng 10/2018 khiến hơn 300 học sinh phải nhập viện cấp cứu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề ATTP trong các nhà trường. Nguyên nhân được xác định là do trong món ruốc gà các em ăn có độc tố tụ cầu vàng, một loại độc tố khi nấu chín vẫn không tiêu diệt được.
Thực tế tại các nhà trường có tổ chức ăn bán trú hiện nay, việc tìm được nguồn thực phẩm sạch, an toàn không dễ. Bởi chỉ có một số ít các loại thực phẩm được cung cấp bởi các cơ sở có giấy chứng nhận, còn lại các loại thực phẩm tươi sống như tôm, cua, cá…, nhiều trường vẫn phải nhập từ các chợ trên địa bàn. Việc nhận biết chất lượng thực phẩm vẫn chỉ bằng mắt thường và cảm quan, tin tưởng. Các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất kháng sinh, các vi khuẩn có hại không thể nhận biết được.
Ngoài khó khăn trong việc tìm được nguồn thực phẩm an toàn, một số trường trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất. Do sự gia tăng dân số tự nhiên và cơ học, số lượng học sinh ở hầu hết các trường học đều tăng qua các năm, dẫn đến tình trạng quá tải. Một số trường phải tận dụng cả khu ăn bán trú để làm phòng học. Từ đó, các điều kiện về bảo quản, chế biến, lưu giữ thức ăn bị thu hẹp lại, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm, thức ăn sau khi được chế biến dễ dẫn đến nhiễm khuẩn.
Tìm hiểu được biết, rau xanh là một trong những loại thực phẩm mà nhiều trường lo lắng về chất lượng, cũng như độ an toàn. Vì thế, giải pháp mà một số trường đang thực hiện hiện nay để giải quyết khó khăn này, là cải tạo diện tích sân vườn để tự trồng rau sạch, cung cấp nguồn rau ăn lá an toàn trong các bữa ăn của trẻ. Đơn cử như tại trường mầm non Gia Hưng (Gia Viễn), nhà trường dành 1.800m2 để tự trồng rau sạch. Mùa nào thức nấy, các loại rau xanh được nhà trường trồng quay vòng, vừa để giáo dục cho trẻ các kỹ năng về trồng, chăm sóc rau, vừa đảm bảo có rau sạch, an toàn.
Cùng với nguyên liệu thực phẩm sạch, quy trình chế biến, bảo quản thức ăn cũng phải được thực hiện nghiêm ngặt. Theo đó, bếp ăn được xây dựng một chiều, tránh lây nhiễm chéo, việc chế biến thức ăn sống, chín phải để riêng, việc bảo quản, lưu mẫu thức ăn đã và đang được các trường học tổ chức ăn bán trú thực hiện nghiêm túc. Nhân viên nuôi dưỡng được khám sức khỏe định kỳ, tập huấn kiến thức, kỹ năng cần thiết trong chế biến thực phẩm và trang bị bảo hộ lao động cho nhân viên nuôi dưỡng…
Toàn tỉnh hiện có trên 200 trường học có bếp ăn bán trú tại trường, với khoảng 65.000 suất ăn/ngày, trong đó chủ yếu là các trường Mầm non và Tiểu học. Thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp có gần 100% các trường Mầm non và Tiểu học thực hiện cho học sinh ăn bán trú tại trường. Nhằm đảm bảo ATTP trong bếp ăn trường học, hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều có công văn chỉ đạo các trường có học sinh bán trú thực hiện nghiêm quy định của Bộ Y tế về đảm bảo ATTP, lựa chọn nguồn thực phẩm sạch từ những cơ sở có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và ký cam kết trách nhiệm. Đồng thời, Chi cục ATVSTP tỉnh cũng tích cực phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức tập huấn kiến thức ATTP và khám sức khỏe định kỳ cho đội ngũ nhân viên dinh dưỡng; phối hợp tuyên truyền các nhà trường nâng cao ý thức trong việc lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm…
Để tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo ATTP, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATTP, đảm bảo sức khỏe cho học sinh, từ tháng 7/2018, Chi cục ATVSTP tỉnh đã có sáng kiến về quản lý các bếp ăn trường học, trong đó hướng dẫn các nhà trường về quy trình nhập thực phẩm, kiểm soát thực phẩm, sơ chế, chế biến, vệ sinh thiết bị dụng cụ... , góp phần đảm bảo ATTP, tránh xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc.
Mỹ Hạnh