Đồng chí Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ngành Y tế cho biết: Đối với ngành Y tế Ninh Bình, thực hiện sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 các cấp, toàn ngành cũng đã nâng cao mức cảnh báo, tiếp tục triển khai các biện pháp bảo vệ chặt chẽ những địa điểm xung yếu, nhất là tại các bệnh viện và lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Với tinh thần không được phép vì lơ là, chủ quan để dịch bệnh bùng phát, lây lan từ cơ sở y tế, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện, Trung tâm y tế đã chú trọng thực hiện giãn cách xã hội cho đối tượng có nguy cơ cao, gồm người cao tuổi, người có bệnh lý tim mạch, người có bệnh lý mãn tính khác. Thường xuyên tuyên truyền cho bệnh nhân và người chăm sóc các quy định phòng, chống dịch, qua đó tạo sự yên tâm và giúp nâng cao ý thức của người dân trong việc chung tay phòng, chống dịch COVID-19.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nơi hàng ngày có hơn 1 nghìn người bệnh điều trị nội trú, khoảng 1 nghìn người đến khám bệnh và hơn 1 nghìn người đi theo chăm sóc phục vụ. Cùng với siết chặt các biện pháp chống dịch, nâng cao ý thức phòng bệnh cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà chăm sóc bệnh nhân, để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh từ các đối tượng dịch vụ thuê ngoài bệnh viện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cũng có nhiều giải pháp đối với đối tượng dịch vụ thuê ngoài tại bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Hiện nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh đang thuê ngoài gần 1 nghìn người lao động, thực hiện các công việc như nhân viên vệ sinh, vệ sĩ, nhân viên nhà ăn, người giặt là, phục vụ trông coi, chăm sóc cây xanh.... Trước thực tế đã có nhiều trường hợp người nhiễm, nghi nhiễm bệnh là các nhân viên phục vụ, được thuê làm việc tại các bệnh viện như tại Bệnh viện Bạch Mai, tại các Bệnh viện của thành phố Đà Nẵng thời gian qua, họ là người có nguy cơ cao trở thành người nhiễm và lây nhiễm bệnh ra cộng đồng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tổ chức tập huấn về phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 cho các đối tượng này.
"Do đây là những người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, tiếp xúc với nhiều nguồn có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh. Chúng tôi hi vọng, thông qua tập huấn, đối tượng dịch vụ thuê ngoài bệnh viện nắm bắt được những kiến thức cơ bản về các biện pháp kiểm soát lây nhiễm COVID-19; việc sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân; vệ sinh tay; xử lý đồ vải, giặt là; vệ sinh phương tiện vận chuyển người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19... Cùng với đó là cách phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 cho người nhà và khách thăm; những nguyên tắc vệ sinh, phân loại rác thải theo đặc thù công việc; cách tiếp xúc với bệnh nhân, người nhà..., đảm bảo công tác dự phòng và tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện..." - bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên nhấn mạnh.
Theo bác sỹ Trần Văn Doanh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoa Lư: "Từ khi dịch bệnh xuất hiện, Trung tâm Y tế huyện Hoa Lư đã tiếp nhận, thực hiện cách ly và chăm sóc sức khỏe cho hàng chục trường hợp nghi ngờ, có triệu chứng bệnh tại khoa Truyền nhiễm. Trong quá trình cách ly, theo dõi và điều trị triệu chứng cho bệnh nhân, cán bộ, nhân viên y tế thường xuyên kiểm tra nhiệt độ, theo dõi sức khỏe; đồng thời hướng dẫn cách phòng tránh, lây lan bệnh dịch; yêu cầu và động viên người bệnh thực hiện nghiêm túc việc cách ly theo quy định... Trung tâm cũng chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo hộ y tế, cơ số thuốc, đồ dùng cá nhân, khu nhà ở riêng biệt cho cán bộ, nhân viên chăm sóc người bệnh cách ly, đảm bảo sức khỏe cho y, bác sĩ và bệnh nhân trong quá trình cách ly…".
Mặc dù công tác phòng, chống dịch COVID-19 đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhưng các y, bác sỹ vẫn là những người đứng đầu, trực tiếp "chiến đấu" với dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thời gian qua, để đảm bảo an toàn cho lực lượng này, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo ngành Y tế tăng cường tập huấn về quy trình xử lý ca bệnh nhiễm và nghi nhiễm, mua sắm đầy đủ đồ dùng phòng hộ, trang thiết bị cho nhân viên y tế khi thực hiện nhiệm vụ.
Bác sỹ Phạm Thị Thu Hà, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, thời gian qua, tại một số bệnh viện trong nước đã có những nhân viên y tế bị lây nhiễm bệnh, nên chúng tôi càng phải nâng cao cảnh giác. Mặc dù phải mặc những bộ đồ bảo hộ nóng bức, khó chịu trong quá trình thực hiện giám sát, cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm, nhưng chúng tôi luôn nêu cao ý thức phòng bệnh cho mình, cho người thân và cộng đồng.
Dịch bệnh COVDI-19 dự kiến còn kéo dài, việc bảo vệ tốt những địa điểm xung yếu và đội ngũ tuyến đầu chống dịch sẽ góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan cộng đồng, đem lại niềm tin, sự yên tâm cho nhân dân. Để chung tay giúp ngành Y tế chống dịch hiệu quả, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch, như hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, thực hiện đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, rửa tay thường xuyên, đảm bảo chung sống an toàn với dịch bệnh.
Bài, ảnh: Hạnh Chi