Là xã vùng cao, có đông đồng bào Mường sinh sống (85% dân số), sản xuất nông nghiệp ở Kỳ Phú phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, trong khi đó trình độ canh tác lại không đồng đều, lạc hậu, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Tổng diện tích toàn xã trên 4.444 ha, dân số hơn 5.600 khẩu với 1300 hộ gia đình, vì vậy mật độ dân cư thấp. Cả xã có tới 56km đường trục thôn, liên thôn chưa kể các đường ngõ, đường nhánh. Ngay như bản Vóng có đường trục thôn ngắn nhất cũng đã có chiều dài hơn 2,7km, trong khi đó cả bản chỉ có gần 50 hộ gia đình đang sinh sống. Những bản được cho là có mật độ dân số đông trên 100 hộ trở lên thì chiều dài đường trục thôn trung bình cũng lên tới 5 -7 km như: bản Mét, bản Ao, bản Tân Phú…
Như vậy với sự phân bố dân cư thưa, địa bàn các thôn đều trải rộng thì chuyện làm đường giao thông nông thôn đúng, đủ theo tiêu chí NTM của Nhà nước đề ra là việc làm hết sức khó khăn. Ví như ở bản Xanh, để làm được 800m đường trục thôn, bên cạnh sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước, công lao động của các hộ có trục đường đi qua do người dân tự nguyện đóng góp thì mỗi khẩu còn phải đóng thêm trên 3 triệu đồng, có hộ gia đình phải đóng tới 17 triệu đồng để làm đường. Đây là một số tiền không nhỏ đối với người dân của một xã vùng cao nghèo như Kỳ Phú.
Đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú cho biết: Hiện nay, tuyến đường từ bản Săm đi Đồng Chạo có chiều dài 6,3 km đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đáng nói, đây là tuyến đường phục vụ đi lại và sản xuất của nhân dân ở 6 bản: Săm, Vóng, Sạng, Phùng Thượng, Thường Sung, Đồng Chạo. Về mùa mưa lũ, tuyến đường bị chia cắt, không thể đi lại được. Khổ nhất là các cháu học sinh của 2 bản Thường Sung và Đồng Chạo phải nghỉ học hoặc đi vòng qua đường Cúc Phương dài 17 km để đến trường! Mặc dù, hàng năm xã cũng đã hỗ trợ kinh phí để cùng với bà con các thôn bản duy tu, sửa chữa tuyến đường này, song sức người có hạn, những khối đất đá không thể ngăn nổi sức mạnh của nước lũ tràn về.
Năm 2008, tuyến đường đã được khảo sát để đổ bê tông bằng nguồn trái phiếu Chính phủ. Nhưng đến nay, con đường bê tông ấy vẫn chỉ là điều mơ ước của bao người dân nơi đây. Vì vậy, Kỳ Phú rất mong nhà nước sớm bố trí nguồn vốn để thi công tuyến đường phục vụ cho việc đi lại và sản xuất của nhân dân các thôn, bản.
Sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Kỳ Phú đã nỗ lực huy động sức dân, tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, ngành để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí đường giao thông nhưng xem ra vẫn chỉ là "muối bỏ biển" bởi cho đến nay, Kỳ Phú mới chỉ bê tông được trên 1,4km đường giao thông.
Bên cạnh đó, nhiều tiêu chí khác như chợ nông thôn, nhà ở dân cư, cơ sở vật chất văn hóa... cũng đang "làm khó" chính quyền và người dân nơi đây. Với quá nhiều "chướng ngại vật", việc bảo đảm hoàn thành xây dựng nông thôn mới theo đúng kế hoạch là rất khó thực hiện. Đồng chí Nguyễn Đức Long cho rằng, trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ đối với xã đặc thù, miền núi, vùng cao đặc biệt khó khăn. Bởi nếu hỗ trợ như các xã miền xuôi thì các địa phương nói trên, trong đó có Kỳ Phú sẽ rất khó thực hiện các tiêu chí NTM.
Thực tế triển khai xây dựng nông thôn mới ở Kỳ Phú cho thấy, giao thông là tiêu chí đang đặt ra nhiều vấn đề cần sự tập trung hơn nữa các nguồn lực của cả Nhà nước và nhân dân. Thực hiện có hiệu quả tiêu chí này sẽ tạo ra tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và việc thực hiện các tiêu chí khác.
Do đó, bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, Nhà nước cũng cần quan tâm đầu tư kịp thời và có những nghiên cứu, điều chỉnh mức hỗ trợ cũng như điều chỉnh một số tiêu chí để sát thực hơn với những khu vực vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Mai Lan