Theo báo cáo của Sở Công thương, tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 trên địa bàn tỉnh ước đạt 33.020 tỷ đồng, tăng 21,7% so với năm 2014, đạt 100,2% kế hoạch. Sản xuất công nghiệp đã đóng góp tỷ trọng lớn trong hoạt động xuất khẩu, đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 974,4 triệu USD, tăng 17,9% so với năm 2014 và đạt 117,4% kế hoạch năm, đồng thời tạo nguồn thu chủ yếu cho ngân sách nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Theo ông Trần Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương, nguyên nhân giá trị sản xuất công nghiệp năm nay tăng cao hơn năm trước là do một số sản phẩm chủ lực tiếp tục duy trì ổn định và đã có sự bứt phá như: xi măng, may mặc, giày dép, lắp ráp ô tô, kính xây dựng, linh kiện điện tử, phân đạm; một số doanh nghiệp bước đầu đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang các mặt hàng có giá trị gia tăng lớn. Một số dự án mới chủ động, tích cực triển khai xây dựng và đi vào hoạt động như dự án Nhà máy phân bón Bình Điền - Ninh Bình công suất 400 nghìn tấn/năm; dự án Nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu công suất 12 tấn/giờ….
Bên cạnh đó, hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tiếp tục được mở rộng và có mức tăng trưởng khá. Doanh thu các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt 19.214 tỷ đồng (tăng 2,1 lần so với năm 2014); giá trị xuất khẩu ước đạt 456 triệu USD (tăng 2,7 lần so với năm 2014). Công tác thu hút đầu tư được đẩy mạnh, trong năm, các khu công nghiệp đã thu hút thêm 18 dự án với tổng mức đầu tư 1.903 tỷ đồng, nâng tổng số dự án thu hút lên 97 dự án với tổng số vốn đăng ký là 44.620,564 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các cụm công nghiệp tiếp tục được duy trì ổn định và từng bước phát triển. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 14 cụm công nghiệp với tổng diện tích 417,32 ha. Trong đó đã có 7 cụm công nghiệp được triển khai xây dựng, thu hút được 170 dự án đầu tư của tổ chức, cá nhân với tổng số vốn đăng ký là 3.950 tỷ đồng (155 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn đã thực hiện là 756,5 tỷ đồng).
Để có được kết quả nổi bật trên, cùng với các chủ trương, cơ chế của tỉnh tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngành Công thương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thu hút đầu tư, hỗ trợ sản xuất, tận dụng mọi cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại.
Trong đó, Sở Công thương đã tham mưu cho tỉnh ban hành một số chính sách về phát triển công nghiệp trên địa bàn mang tầm chiến lược như: Ban hành Quy chế đánh giá, xét chọn và hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực tỉnh Ninh Bình nhằm tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh vào các cụm công nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh; ban hành quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ....
Đồng thời, tăng cường nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp hoặc tham mưu với tỉnh có biện pháp tháo gỡ. Hoạt động khuyến công được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Sở Công thương đã triển khai thực hiện 29 đề án khuyến công, với tổng kinh phí hỗ trợ 4,25 tỷ đồng, trong đó 2 đề án khuyến công Trung ương và 27 đề án khuyến công địa phương.
Các đề án khuyến công đã tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học các cơ sở sản xuất ở khu vực nông thôn; hỗ trợ công tác xét duyệt công nhận làng nghề, nghệ nhân cấp tỉnh; tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu,… góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại như tổ chức, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ để quảng bá sản phẩm địa phương, hỗ trợ các đơn vị tham gia các hoạt động giới thiệu, xúc tiến thương mại ngoài nước,... giúp các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao quản trị doanh nghiệp,....
Việc hỗ trợ xúc tiến thương mại đã ưu tiên tập trung cho các ngành hàng xuất khẩu có thế mạnh, truyền thống của tỉnh như hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản thực phẩm chế biến...
Đặc biệt trong giai đoạn vừa qua là thời kỳ hội nhập và nước ta ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tạo ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đầu tư phát triển. Sở Công thương đã đồng hành cùng doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách tổ chức tập huấn, tọa đàm nhằm phổ biến các chủ trương, chính sách, cách làm mới để doanh nghiệp nhanh chóng bắt nhịp và tham gia vào "cuộc chơi".
Ngoài ra, Sở Công thương cùng các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, loại bỏ những rào cản và hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư.
Cũng theo ông Trần Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương, năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 và các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Dự báo năm 2016, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi nhưng chậm, nền kinh tế trong nước và của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng.
Việc đẩy mạnh hội nhập và ký kết TPP sẽ đón nhận rất nhiều dòng chảy đầu tư vào Việt Nam và Ninh Bình, tuy nhiên cũng tạo ra nhiều thách thức, nhất là trong việc phát triển thị trường, tăng cường khả năng cạnh tranh cả ở thị trường quốc tế và thị trường trong nước.
Với cơ hội và những khó khăn, thử thách mới, doanh nghiệp nào biết nắm bắt thị trường, quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, năng lực sản xuất thì doanh nghiệp đó sẽ thích nghi và có những bứt phá nhanh bắt kịp xu thế phát triển.
Do vậy, để sản xuất công nghiệp phát triển, ngành Công thương sẽ tiếp tục tận dụng thuận lợi, khắc phục khó khăn, tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, nhất là các sản phẩm công nghiệp chủ lực: xi măng, thép, phân urê, lắp ráp ô tô, kính nổi,...
Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, ưu tiên thu hút vốn đầu tư cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là vốn đầu tư của các doanh nghiệp ngoài nhà nước, tập trung vào hạ tầng các khu công nghiệp Khánh Phú, Gián Khẩu, Tam Điệp, Phúc Sơn, các cụm công nghiệp Ninh Vân, Khánh Thượng.
Tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu và có sức cạnh tranh cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô để đáp ứng nguyên liệu đầu vào, giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm.
Hồng Giang