Theo tổ chức này, trong số những người thiệt mạng nói trên có 50 nhà báo chuyên nghiệp, 7 nhà báo công dân và 8 nhân viên truyền thông. 5 quốc gia được cho là nguy hiểm nhất đối với quá trình tác nghiệp của phóng viên là Syria, Mexico, Afghanistan, Iraq và Philippines.
Trong số các trường hợp thiệt mạng, có 35 người thiệt mạng ở những khu vực đang có xung đột vũ trang và 30 người thiệt mạng bên ngoài các khu vực này.
Có 39 người thiệt mạng vì công việc làm báo của họ nhắm đến các vụ tham nhũng chính trị hay tổ chức tội phạm, trong khi đó có 26 người thiệt mạng vì các vụ bắn súng và tấn công bằng bom.
"Một điều đáng báo động là có nhiều nhà báo bị sát hại ở bên ngoài các khu vực có chiến tranh", một thành viên của Tổ chức Phóng viên không biên giới có tên Katja Gloger cho biết.
Tuy vậy, số nhà báo thiệt mạng trong năm 2017 đã ít hơn nhiều so với số liệu cách đây hai năm. Cũng theo thống kê của tổ chức này, năm 2015, có tổng số 110 nhà báo đã thiệt mạng trên khắp thế giới. Trong đó, có 67 nhà báo đã thiệt mạng khi đang tác nghiệp và 43 nhà báo thiệt mạng trong những hoàn cảnh không rõ ràng. Trong năm 2014, có 2/3 số nhà báo thiệt mạng ở các khu vực có chiến tranh. Nhưng trong năm 2015, điều này lại ngược lại, khi có tới 2/3 số nhà báo thiệt mạng ở các đất nước hòa bình.
Nguồn http://www.dangcongsan.vn