Theo đó, kim ngạch xuất khẩu một số sản phẩm công nghiệp như linh kiện điện tử, xi măng - clanke, da giày, may mặc... tiếp tục tăng. Trong đó, linh kiện điện tử là mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu. Tuy vậy, mặt hàng này không cho giá trị gia tăng cao bởi các nhà máy tại tỉnh chỉ nhận phần công việc gia công, giá trị để lại không nhiều. Thay vào đó, các mặt hàng nông sản và thủ công mỹ nghệ tuy có kim ngạch xuất khẩu không lớn, song giá trị gia tăng lại cao hơn. Mặc dù mới chính thức đi vào sản xuất chưa đầy 5 năm nhưng Công ty cổ phần Chế biến nông sản Việt Xanh đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận, doanh thu xuất khẩu hàng năm luôn đạt trên 1 triệu USD. Hiện nay, ngoài thị trường truyền thống là Nga, sản phẩm của Công ty đã hiện diện tại úc, Ma rốc.
Năm 2015, Công ty đã xuất khẩu mặt hàng dứa và rau sạch cho thị trường Nga với giá trị trên 1,2 triệu USD. Năm 2016, ước tính giá trị đạt 1,5 triệu USD.
Ông Nguyễn Trương Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết: Nga hiện được xem là thị trường "dễ tính", bởi vậy trong những năm tiếp theo, Công ty muốn phát triển thêm các thị trường châu Âu, đặc biệt là Đức. Qua đó, khẳng định thương hiệu qua chất lượng sản phẩm và sự hài lòng của khách hàng.
Trong năm 2017, Công ty dự kiến sẽ xây dựng thêm một nhà máy chế biến nông sản có công suất khoảng 25-30 tấn/ngày tại huyện Yên Khánh để đáp ứng nhu cầu về nông sản sạch cho thị trường châu Âu.
Được biết, Công ty là một trong những nguồn cung cấp sản phẩm nông sản ở phân khúc giá thấp nhưng chất lượng luôn ổn định. Tất cả các quy trình sản xuất được quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu chế biến, Công ty duy trì việc ký kết sản xuất rau củ với nông dân ở các vùng truyền thống như Khánh Lợi, Khánh Hải, Khánh Nhạc, Khánh Thành của huyện Yên Khánh.
Việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển nông nghiệp hàng hóa. Đó là điều kiện thuận lợi để các mặt hàng nông sản sạch có điều kiện để "xuất ngoại".
Thời gian qua, Công ty đã phối hợp với Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại (Sở Nông nghiệp và PTNT) khảo sát, mở rộng diện tích trồng dứa tại địa bàn huyện Nho Quan, đảm bảo sản lượng cho sản phẩm dứa đóng hộp Queen, hiện đang được khách hàng quốc tế ưa chuộng.
Cùng với các mặt hàng nông sản, trong những năm qua, các chính sách của tỉnh đã góp phần khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ phát triển. Với lợi thế về nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có và dễ tìm kiếm, các sản phẩm từ cói, bèo bồng đã chiếm được cảm tình của khách hàng châu Âu do thân thiện với môi trường.
Chính vì vậy, việc xuất khẩu các mặt hàng này khá thuận lợi. Năm 2015, Công ty TNHH sản xuất và đầu tư Thành Hóa (Yên Khánh) chuyên sản xuất, chế biến hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cói, bèo có doanh thu khoảng 1,4 triệu USD.
Năm 2016, Công ty phấn đấu doanh thu vượt mức 1,5 triệu USD. Chủ doanh nghiệp cho biết: Để chinh phục được khách hàng, Công ty đã không ngừng đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm... Hầu hết các khách hàng hài lòng với các sản phẩm do Công ty sản xuất. Vì vậy, Công ty đã có thêm nhiều đơn hàng từ các khách hàng mới, việc sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển.
Bên cạnh đó, các sản phẩm thêu ren với những chi tiết thêu mượt mà, mềm mại nhưng không kém phần sang trọng đã chinh phục cả những khách hàng khó tính ở những nước phát triển như: Nhật Bản, Pháp, Đức, ý, Mỹ... Chị Vũ Thị Hồng Yến, Giám đốc Doanh nghiệp thêu Minh Trang (Hoa Lư) cho biết: Doanh nghiệp nhận được khá nhiều đơn hàng quốc tế, tuy vậy, do quy mô sản xuất còn hạn chế nên doanh thu từ xuất khẩu năm 2016 của doanh nghiệp chỉ đạt 500 nghìn USD.
Hiện nay, doanh nghiệp có gần 50 lao động làm việc tại chỗ và hàng trăm lao động tại nhà. Vài năm trở lại đây, với những cơ chế, chính sách hợp lý, việc phát triển ngành nghề thêu truyền thống tại xã Ninh Hải (Hoa Lư) đã có bước phát triển đáng kể.
Tuy vậy, các sản phẩm cói, thêu vẫn còn gặp khó khăn trong việc xuất khẩu do hầu hết đều xuất khẩu ủy thác từ các doanh nghiệp trung gian. Vừa tạo khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa lại mất thêm một phần chi phí, làm giảm doanh thu cho các doanh nghiệp cũng như giá trị xuất khẩu nói chung.
Thiết nghĩ, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, cần có thêm sự vào cuộc của các cấp, các ngành cùng với doanh nghiệp thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, vừa góp phần lưu giữ nét văn hóa của các ngành nghề truyền thống của địa phương, vừa đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.
Thái Học