Có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của địa phương
Năm 2012, với hơn 300 doanh nghiệp trong tỉnh phá sản, tạm ngừng hoạt động hoặc chuyển hình thức kinh doanh đã cho thấy nền kinh tế trong tỉnh đang gặp nhiều những bất lợi. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, thông qua những đợt thanh lọc này, các doanh nghiệp yếu kém về năng lực tài chính, năng lực quản lý, không có tiềm năng phát triển lâu dài sẽ bị loại bỏ. Thay vào đó là những doanh nghiệp đủ mạnh sẽ khẳng định được chỗ đứng trên thương trường. Trong bức tranh ảm đạm của các doanh nghiệp chúng ta vẫn thấy những gam mầu tươi sáng đó là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, dịch vụ du lịch, sản xuất các mặt hàng thiết yếu... Đó chính là những doanh nghiệp có tầm nhìn chiến lược, nắm bắt được định hướng của tỉnh và có những quyết sách hợp lý trong điều kiện hiện nay.
Năm 2013, theo nhận định của Chính phủ và Bộ Công thương, kinh tế thế giới và trong nước sẽ có chuyển biển theo chiều hướng tích cực. Do đó, nền kinh tế trong tỉnh cũng kỳ vọng sẽ có những khởi sắc. Để giúp các doanh nghiệp có thêm cơ hội mới, tỉnh cũng đang gấp rút hoàn thành quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp của tỉnh đến năm 2020 và quy hoạch làng nghề gắn với du lịch. Đây chính là hành lang cho các doanh nghiệp phát triển đúng định hướng mà tỉnh khuyến khích và tỉnh sẽ có những cơ chế hỗ trợ thiết thực nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu thông qua 2 nguồn kinh phí: Quỹ khuyến công và nguồn quỹ xúc tiến thương mại.
Trước cơ hội đó, các doanh nghiệp xuất khẩu, ngoài việc đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng mà tỉnh có thế mạnh như: chế biến cói, bèo, bẹ chuối, thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ, chế biến sản phẩm nông sản... thì còn phải có chiến lược mở rộng thị trường và khai thác thêm các thị trường trong nước có tiềm năng.
Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp cũng không nên mạo hiểm để đầu tư mở rộng sản xuất mà chỉ tập trung vào những thế mạnh đã có. Mặc dù kinh tế có những tín hiệu tốt song đây vẫn chỉ là giai đoạn để tái cấu trúc nền kinh tế chứ chưa thể là giai đoạn để phục hồi, phát triển mạnh mẽ.
Hoàng Trung Kiên, Phó giám đốc Sở Công thương
Tiếp tục là người bạn đồng hành với nông dân
Năm 2012, được sự giúp đỡ của tỉnh chính quyền các địa phương, Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang đã thực hiện thành công dự án sản xuất lúa giống chất lượng cao và chọn lọc được một số giống lúa chất lượng để đưa vào khảo nghiệm. Hiện nay, giống lúa QR1 và QR2 đã nhận được sự tin tưởng, hưởng ứng của bà con nông dân trong và ngoài tỉnh.
Năm 2013, Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chọn lọc một số bộ giống mới kết hợp với mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời sẽ xây dựng thành công mô hình sản xuất giống lúa DQ11 để làm đề tài khoa học đưa vào bộ giống Quốc gia. Đây là giống lúa có ưu thế vượt trội, năng suất như lúa lai, khoảng từ 70-80 tạ/ha, chất lượng gạo ngon, kháng chịu sâu bệnh tốt… Trước mắt, để chuẩn bị giống cho vụ mùa năm 2013, Công ty đã đưa giống lúa DQ11 vào sản xuất ở miền Trung với diện tích 130 ha. Với diện tích này, Công ty sẽ đảm bảo đủ giống lúa DQ11 để cung cấp cho thị trường. Công ty sẽ tiếp tục là người bạn đồng hành với nông dân, giúp đỡ và tạo điều kiện để bà con nông dân yên tâm sản xuất những giống lúa mới, có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.
Trong tương lai, nông nghiệp sẽ vẫn là một ngành kinh tế chủ lực trong nền kinh tế. Vì vậy, Nhà nước cũng nên có những chính sách ưu đãi đối với các công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, mở rộng các mô hình, dự án khảo nghiệm có hiệu quả. Đồng thời Nhà nước cũng phải là cầu nối để liên kết "4 nhà": doanh nghiệp, nhà khoa học, nông dân. Có như vậy nền nông nghiệp Việt Nam mới nhanh chóng phát triển theo hướng CNH-HĐH.
Ông Phùng Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang
Cần có một mặt bằng lãi suất và điều kiện tín dụng hợp lý
Năm 2012, là một năm mà doanh nghiệp Ninh Bình nói chung và Công ty giấy Tiến Dũng nói riêng đã trải qua nhiều khó khăn như: thị trường tiêu thụ hạn hẹp, cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu, chi phí đầu vào cao, hàng tồn kho nhiều và quan trọng hơn cả là thiếu vốn sản xuất. Việc khan hiếm thanh khoản, lãi suất cao, nợ xấu đã làm nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất rơi vào tình trạng phá sản, tạm ngừng hoạt động. Trước những khó khăn chung đó, Công ty giấy Tiến Dũng đã thực hiện song song nhiều giải pháp để giải quyết hàng tồn kho, duy trì các chế độ cho người lao động, đảm bảo cuộc sống, mở rộng thị trường, cải tiến mẫu mã và hạ giá thành sản phẩm. Bước sang quý III và quý IV, nhìn chung việc sản xuất của Công ty đã có nhiều khởi sắc. Song những khó khăn về vốn, lãi suất vẫn còn.
Năm 2013, dự báo kinh tế còn khó khăn, chúng tôi vẫn đi theo chiến lược đã thực hiện trong những năm qua, đó là, tiếp tục tập trung vào thị trường nội địa và song hành với những dòng sản phẩm đáp ứng cho thị trường cao cấp, giấy Tiến Dũng sẽ nỗ lực tập trung nghiên cứu để liên tục đưa ra nhiều dòng sản phẩm, đáp ứng cho đối tượng người tiêu dùng thu nhập trung bình - thấp. Cùng với chiến lược này là việc tiết giảm tối đa các chi phí và cải tiến công nghệ để tránh lãng phí, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, chấn chỉnh, kiểm soát các khâu sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm và tránh lãng phí.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, không chỉ có Công ty giấy Tiến Dũng mà cộng đồng các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước nên có những chính sách để sớm ổn định thị trường tiền tệ trong nước. Nhanh chóng điều chỉnh mặt bằng lãi suất về mức sàn. Trong khi lãi suất huy động chỉ còn 8% thì lãi suất cho vay cũng nên giảm xuống 10-12% là phù hợp và đảm bảo doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Hiện tại, mặc dù các ngân hàng đều có nguồn vốn dồi dào, Nhà nước cũng đã có những chỉ đạo trong việc hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý. Đặc biệt, với những doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thu hút nhiều công nhân thì Nhà nước cũng nên có những ưu đãi về lãi suất cũng như điều kiện tín dụng để doanh nghiệp có thể tiếp cận với các nguồn vốn tại ngân hàng dễ dàng hơn.
Đinh Quốc Chiến, Chủ tịch Hội doanh nghiệp thành phố Ninh Bình, Giám đốc Công ty giấy Tiến Dũng
Tăng cường liên kết các doanh nghiệp để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm
Có thể nói, bài toán tiêu thụ sản phẩm đối với ngành vật liệu xây dựng (VLXD) đang khó tìm lời giải hơn bao giờ hết. Năm 2012, lượng tiêu thụ VLXD giảm mạnh. Nhiều đơn vị đã phải dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, thậm chí một số đơn vị đang bên bờ vực phá sản kéo theo đó là cuộc sống bấp bênh của hàng vạn công nhân. Tình hình khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất VLXD cũng nằm trong khó khăn chung của toàn nền kinh tế.
Để tự cứu mình, các doanh nghiệp sản xuất VLXD cả nước nói chung, Ninh Bình nói riêng thời gian qua đã chủ động triển khai giải pháp tăng cường tiêu thụ sản phẩm, giảm lượng hàng tồn kho bằng các hình thức bán hàng linh hoạt; tái cấu trúc doanh nghiệp, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giảm bớt các chi phí trung gian, từng bước hạ giá thành sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh... Tuy nhiên, tình hình cũng chưa cải thiện được là bao.
Một trong những giải pháp đang được Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Ninh Bình tính đến là chủ động liên kết tiêu thụ sản phẩm của nhau, thế nhưng muốn tiêu thụ được sản phẩm thì cần phải có đầu tư xây dựng, thị trường phải thông thoáng, nền kinh tế phải giảm thiểu những bất ổn. Về phía Nhà nước, mặc dù thời gian qua cũng đã có nhiều chính sách để trợ giúp doanh nghiệp giải quyết lượng hàng tồn kho, nhưng theo tôi đó mới chỉ là giải quyết phần ngọn, cái mấu chốt của vấn đề đó là không có thị trường tiêu thụ, cung vượt cầu. Năm 2013, để khơi thông thị trường, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh VLXD mong muốn nhà nước có những giải pháp cụ thể, thiết thực, mạnh mẽ, đồng bộ nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn như: Ban hành những chính sách phù hợp với từng ngành nghề, đối tượng doanh nghiệp, từng bước phục hồi thị trường bất động sản, nới lỏng đầu tư công, giảm lãi suất và xử lý về thuế hợp lý... Tỉnh cũng cần có chính sách kích cầu xây dựng, tạo thị trường để tiêu thụ các loại vật liệu xây dựng. Đồng thời có chế tài mạnh hơn, khuyến khích các nhà thầu và chủ đầu tư sử dụng vật liệu trong nước theo phương châm "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Việc Nhà nước "cứu doanh nghiệp" sẽ cùng một lúc giải quyết được 3 mục tiêu: ổn định nền kinh tế, đảm bảo đời sống cho người lao động, lập lại trật tự xã hội.
Lê Anh Tú, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Ninh Bình, Giám đốc Công ty Xây dựng và Thương mại Thành Trung