Trời chập tối, chị Nguyễn Thị Đào (xã Kim Trung) tất bật chuẩn bị dụng cụ để bắt đầu ca làm việc buổi tối của mình. Với chiếc xô nhựa, ủng, găng tay và một chiếc đèn pin, chị Đào rời nhà để ra vùng bãi bồi bắt cáy.
Tùy theo chiều con nước, việc bắt cáy của chị có thể bắt đầu từ chập tối cho đến đêm hoặc có thể từ giữa đêm cho đến sáng sớm ngày hôm sau, vừa kịp lúc họp chợ. Công việc này đã gắn bó với chị Đào từ hơn chục năm nay nên đường đi lối lại ở khu vực này trở nên quá đỗi quen thuộc với người phụ nữ ngoài 30 tuổi.
Chị Đào cho biết, cáy làm tổ dưới lòng đất, lúc đi kiếm ăn mới bò lên. Việc bắt cáy thường vào ban đêm vì lúc này nó thường chậm chạp hơn, trời sáng chúng chạy rất nhanh, khó mà bắt được. Với những người thợ lành nghề như chị Đào, việc bắt cáy có phần dễ dàng hơn bởi có thể phát hiện ra tổ của chúng ở đâu, di chuyển như thế nào và vùng nào chúng tập trung sinh sống.
Thời điểm này, một đêm chị Đào có thể bắt được chục cân cáy, mùa rét thì chỉ được một nửa. Sáng sớm hôm sau khi đem ra chợ bán với giá khoảng 40 nghìn đồng/kg, chị đã có một khoản tiền kha khá để chi tiêu sinh hoạt của gia đình trong ngày hôm đó.
Chị Đào chia sẻ, mùa nắng thì còn đỡ chứ mùa rét đi bắt cáy rất vất vả, hơn nữa lại bắt được ít hơn. Vất vả là thế nhưng khoản thu nhập từ việc này đủ để chúng tôi trang trải cuộc sống gia đình.
Cũng nhờ vào vùng đất ngập mặn để mưu sinh, anh Trần Văn Bình ở xóm 7, xã Cồn Thoi (Kim Sơn) đã làm nghề đặt đăng, đó từ 4-5 năm về trước. Trên vùng đất lưu không của đê Bình Minh 2, anh Bình quây những mảnh lưới thành cái đăng, cái đó để vây bắt nguồn thủy sản tự nhiên. Những thứ anh bắt được có đủ loại, từ tôm rảo (hay còn gọi là tôm đất) cho đến cua rạm, nhệch và đủ các loại cá...
Trong đó, tôm rảo và cua rạm là loại kiếm được tiền nhất. Những hàng buôn thường lấy giá cua rạm là 150 nghìn đồng/kg, tôm rảo từ 120-180 nghìn đồng/kg. Vì vậy, những ngày bội thu, anh có thể kiếm đến bạc triệu. Anh Bình cho biết, bắt được nhiều hay ít còn tùy thuộc vào con nước, ngày được nhiều thì 500 nghìn đến 1 triệu đồng, ngày ít thì chỉ được khoảng 300 nghìn đồng đổ lại.
Mỗi buổi sáng sớm là thời điểm thu hoạch thành quả, ngụp lặn dưới vùng đầm lầy để gỡ chiếc đó ra khỏi những tấm lưới quây và đưa lên bờ, anh Bình lại hì hụi ngồi phân loại tôm, cua để mang đi bán. Khi công việc này hoàn tất, anh lại cặm cụi chỉnh lại chiếc đó và đặt trở lại vị trí cũ, với niềm hy vọng buổi sáng sớm ngày mai sẽ lại đầy ắp tôm cá như hôm nay. Anh Bình chia sẻ, công việc vất vả nhưng cho thu nhập khá, cuộc sống ổn định hơn.
Vùng ven biển huyện Kim Sơn có rừng ngập mặn rộng lớn, cùng với độ mặn phù hợp được xem là nơi lý tưởng cho các loại sinh vật sinh sôi và phát triển. Các loài như tôm rảo, cua rạm, cáy thường trú ngụ trong rừng sú vẹt, đợi thủy triều lên chúng mới bò ra khỏi hang kiếm ăn nên muốn bắt được cũng không phải là điều dễ dàng.
Công việc của những người dân mưu sinh bằng nghề này thường diễn ra quanh năm, nhưng vào mùa săn bắt chính là bắt đầu từ mùa xuân cho đến hết hè. Tuy cho thu nhập khá song người dân nơi đây vẫn luôn nhắc nhở nhau rằng, không được săn bắt quá mức theo tư tưởng tận thu, mà cần gìn giữ và bảo vệ rừng ngập mặn cùng các loài sinh vật ở đó để làm nguồn sinh kế lâu dài và bền vững.
Bài, ảnh: Thái Học