Trong sự phát triển của thế giới hiện đại ngày nay khi mà Internet với các trang báo mạng, các mạng xã hội, các hòm thư điện tử đã trở nên phổ biến thì những người bưu tá vẫn âm thầm, miệt mài với công việc của mình như những cánh chim mải miết. Tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với một người như thế, người đã có 36 năm gắn bó với nghề và ông lý giải cho sự "say nghề" ấy là niềm đam mê, là chuyện "sinh nghề tử nghiệp". Ông là Lê Đức Lộc (phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình).
Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ nằm nép mình trong dãy phố vắng, chúng tôi được "sở hữu" những phút giây rảnh rỗi hiếm hoi của ông Lê Đức Lộc để nghe ông tâm sự về nghề mà theo ông ví là "làm dâu trăm họ" này. Hàng ngày, công việc của mỗi bưu tá bắt đầu từ khoảng 5 giờ sáng bằng việc đến Bưu điện tỉnh nhận thư được giao. Mỗi bưu tá phụ trách một tuyến, bao gồm một phường hoặc nhiều khu phố tại các phường khác nhau. Sau khi giao hết thư, bưu phẩm buổi sáng, đến 13 giờ bưu tá lại quay về bưu điện để nhận thư, bưu phẩm buổi chiều.
Công việc này không tính theo giờ hành chính, đến khi nào chuyển hết thư được giao thì mới coi như kết thúc công việc của một ngày. Ông Lộc say sưa kể cho chúng tôi nghe về nghề của mình, về niềm đam mê cũng như những niềm vui, nỗi buồn của nghề bưu tá. "Những thập niên 80-90, người làm công việc bưu tá chúng tôi còn đi chuyển thư, báo, bưu phẩm bằng xe đạp, di chuyển trên những con đường gập ghềnh, khi chao lên, lúc ngụp xuống.
Đến những năm 1995-1996, người nào khá lắm mới sắm được chiếc xe máy, mà phải chọn toàn xe cũ vì sợ bị trộm khi dừng chân trao thư, trao bưu phẩm. Cách đây vài chục năm, khi Internet chưa phát triển, điện thoại di động là thứ xa xỉ, điện thoại bàn cũng còn hạn chế, khi ấy là thời hoàng kim của những lá thư tay. Nhận được thư của người thân từ các tỉnh xa, nhất là từ nước ngoài gửi về, chủ nhà rất cảm động và cảm ơn chúng tôi rối rít. Lúc ấy, đi xe đạp chuyển thư cực nhọc mà vẫn rất vui" - ông Lộc hồi tưởng lại.
Nghề bưu tá cũng lắm chuyện gian nan. Thời tiết dù thế nào cũng vẫn phải "lên đường" hoàn thành nhiệm vụ. Có những buổi trưa nắng chang chang hay những buổi chiều đông giá rét căm căm, thậm chí bão to, gió lớn, ông Lộc vẫn cần mẫn trên mọi nẻo đường để đảm bảo những tờ báo được phát hành kịp thời, những cánh thư, những bưu phẩm đặc biệt là hàng chuyển phát nhanh đến đúng tay người nhận.
Ông cho biết công việc của người bưu tá sẽ giảm bớt "gánh nặng" nếu người dân khi gửi thư chỉ cần ghi đúng địa chỉ của người nhận bao gồm số nhà, đường phố, xã (phường), tên huyện, thành phố, tỉnh. Một công thức tưởng chừng như đơn giản đối với người sử dụng dịch vụ thư tín nhưng hiện nay quá trình đô thị hóa đã làm cho người dân không thể cập nhật được địa chỉ mới ở những địa bàn đã được nâng cấp từ "quê" lên "phố"hoặc ở những khu dân cư mới. Do đó, số lượng thư theo địa chỉ cũ, địa chỉ không cụ thể hoặc không ghi địa chỉ… ngày càng nhiều và trở thành áp lực đối với đội ngũ bưu tá.
Nhiều khu dân cư mới đã mọc lên nhưng chưa có số nhà, do đó người dân phải dùng địa chỉ theo số lô khi được giao đất và lấy tên theo các dự án giao đất. Khi đã có tên đường mới và số nhà, nhưng do người gửi thư không thể cập nhật kịp nên bưu tá phải "tìm qui luật" để qui đổi vị trí các lô thành địa chỉ số nhà, tên đường mới để phát.
Việc ghi địa chỉ không đầy đủ số nhà, tên đường, tên phường…vẫn tồn tại là nguyên nhân gây khiếu nại mỗi khi thư, báo tới chậm hoặc không phát được do bưu tá không tìm được địa chỉ. Đặc biệt là những giấy tờ quan trọng hoặc giấy báo thi, nhập học… Khi có khiếu nại thì trách nhiệm đầu tiên bao giờ cũng "quy" về bưu tá chứ không ai nghĩ đến phần lớn những lỗi này thuộc về người gửi thư do ghi địa chỉ không rõ ràng.
Khi tôi hỏi bưu tá phải làm gì để giải quyết những khó khăn đó, ông Lộc cho rằng, mặc dù có rất nhiều thư rơi vào những tình huống khó như trên nhưng anh em bưu tá vẫn nỗ lực tìm mọi cách để phát, trường hợp quá "hóc" mới chuyển hoàn. Theo ông Lộc, các bưu tá phải tự định hình trong đầu "tấm bản đồ riêng" được hình thành do quá trình tích lũy kinh nghiệm của mình. Tuy nhiên, nỗ lực cũng như những khó khăn, vất vả của bưu tá đôi khi không nhận được sự thông cảm của người dân.
Ông Lộc ngậm ngùi: "Trước đây, hình ảnh người bưu tá luôn gắn liền với thông điệp "sứ giả mang tình cảm, tin vui" đến cho mọi người nên được tiếp đón với tình cảm đặc biệt. Bây giờ, phần lớn là thư quảng cáo, thương mại, tiếp thị sản phẩm, yêu cầu nộp tiền một số dịch vụ như bảo hiểm, giấy triệu tập của các cơ quan pháp luật… nên người nhận thường có thái độ hững hờ, vô cảm đã làm cho những bưu tá không khỏi "chạnh lòng".
Với nhiều khó khăn như vậy, nghề bưu tá đòi hỏi cao về kinh nghiệm. Một bưu tá mới vào nghề làm quen được với công việc phải mất rất nhiều thời gian để tích lũy kinh nghiệm trong việc "lần tìm" địa chỉ. Tuy vậy, nghề bưu tá vẫn chưa được nhìn nhận một cách đúng nghĩa (là nghề có hệ số lương thấp nhất trong hệ thống danh mục ngành nghề Bưu chính viễn thông). Do đó, nếu không thực sự yêu nghề, thì người bưu tá khó lòng trụ được với nghề...
Đức Quỳnh