Tham dự tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND huyện Kim Sơn.
Ngày 23/10/2017, EC cảnh báo "Thẻ vàng" đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam và đưa ra 9 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần thực hiện để chống khai thác IUU.
Thực hiện các khuyến nghị này, 4 năm qua, Việt Nam đã tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật về thủy sản, qua đó cơ bản đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế, đảm bảo quản lý, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm.
28 tỉnh, thành phố ven biển đã tập trung các nguồn lực, tổ chức triển khai các giải pháp chống khai thác IUU; tổ chức ký kết quy chế phối hợp để quản lý, kiểm soát hoạt động của tàu cá giữa các tỉnh, kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin, xử lý tàu cá của địa phương có hành vi khai thác IUU.
Triển khai rộng rãi việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên và hiện nay đã đạt tỷ lệ trên 87%. Hệ thống giám sát tàu cá, cơ sở dữ liệu giám sát tàu cá đã được kết nối, chia sẻ, được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế. Cụ thể như: việc cấp giấy phép khai thác cho tàu cá còn thấp; ý thức của chủ tàu cá còn hạn chế trong việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cũng như vận hành, đảm bảo thiết bị bật, phát tín hiệu khi tàu cá hoạt động trên biển, dẫn đến tình trạng thường xuyên mất kết nối thiết bị giám sát hành trình với trạm bờ; cơ sở hạ tầng cảng cá chưa đáp ứng được yêu cầu; tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở các vùng biển nước ngoài tuy có giảm so với trước nhưng chưa vững chắc.
Chính vì những tồn tại, hạn chế trên mà đánh giá của phía EC mới đây vẫn cho rằng việc khai thác thủy sản của Việt Nam còn những vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là công tác kiểm soát tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, thực thi quy định xử phạt hành chính đối với công tác kiểm soát tàu cá và kiểm soát thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam nhằm đảm bảo tính hợp pháp của sản phẩm.
Tại Ninh Bình, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ việc chống khai thác IUU. Tổ chức cho các chủ tàu ký cam kết không vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Hiện, 100% tàu cá có chiều dài trên 24 mét của Ninh Bình đã thực hiện lắp thiết bị giám sát hành trình. Tỉnh cũng đã công bố hạn ngạch giấy phép khai thác trên biển, cấp 14 giấy phép khai thác theo hạn ngạch của Bộ Nông nghiệp & PTNT và của tỉnh.
Tại hội nghị, đại biểu các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố đã phát biểu làm rõ những mặt đã làm được, những tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc mà hoạt động nghề cá, công tác quản lý Nhà nước về nghề cá đang gặp phải. Đồng thời đề xuất những phương hướng, biện pháp khắc phục trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, việc bị cảnh báo "Thẻ vàng" không những làm ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, tác động trực tiếp đến thu nhập, đời sống của bà con ngư dân mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín, vị thế, quan hệ ngoại giao của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng trên các diễn đàn khu vực và thế giới.
Do vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, nhanh chóng có các biện pháp để EC gỡ bỏ cảnh báo "Thẻ vàng" là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp thiết mà Chính phủ và các bộ, ban, ngành, địa phương phải tập trung triển khai trong thời gian tới. Trong đó, trọng tâm là ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương có liên quan mở đợt cao điểm trong năm 2021 để tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực biển chồng lấn, chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước; nghiên cứu, sử dụng các công cụ hỗ trợ như máy bay không người lái để nâng cao hiệu quả giám sát hoạt động của tàu cá trên các vùng biển có nguy cơ cao dẫn đến hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Bộ Công an điều tra, củng cố hồ sơ xử lý hình sự một số đường dây môi giới đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài…Các địa phương khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, hoàn thành việc đánh dấu tàu cá theo quy định, thực hiện xác nhận chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo quy định của pháp luật; ưu tiên bố trí kinh phí và cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ quan được giao nhiệm vụ chống khai thác IUU.
Các bộ, ngành có liên quan và địa phương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền phổ biến pháp luật liên quan về chống khai thác IUU… cho bà con ngư dân. Mục tiêu cuối cùng là đến năm 2022 Việt Nam sẽ gỡ được "Thẻ vàng" của EC đối với hoạt động khai thác hải sản.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, đồng chí Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp &PTNT làm đầu mối tiến hành rà soát, đánh giá lại quá trình triển khai chống khai thác IUU của Ninh Bình, từ đó tham mưu cho UBND tỉnh có những giải pháp để triển khai tốt các nội dung trong kết luận của Phó Thủ tướng.
Hà Phương- Anh Tuấn