Một ngày cận Tết ất Mùi, chúng tôi tới thăm gia đình Trung úy Nguyễn Văn Thọ (ảnh) ở phố 14, phường Vân Giang (thành phố Ninh Bình). Ngôi nhà nhỏ của Trung úy Thọ đã ngập tràn sắc xuân bởi những chậu hoa, cành mai, cành đào. Rót trà mời khách, bà Nguyễn Thị Thủy, mẹ của Trung úy Thọ nói: "Năm ngoái cũng chừng thời gian này, thằng Thọ cùng mẹ đi chợ sắm hoa, dọn dẹp, trang hoàng ngày Tết. Năm nay thì nó đang bận rộn gói bánh chưng ngoài đảo rồi…"
Qua câu chuyện của bà Thủy, chúng tôi được biết, Trung úy Thọ có dáng người cao, da trắng, tính tình hiền lành và chăm chỉ. Là con cả của gia đình nên từ nhỏ, Thọ đã rất có ý thức tự giác trong học tập, bảo ban các em học hành, đỡ đần bố mẹ việc nhà. Lớn lên, do yêu thích màu xanh quân ngũ nên anh đã quyết định thi và đỗ vào Trường sỹ quan Tăng thiết giáp, ngành chỉ huy tham mưu. Năm 2011 ra trường, Thọ được phân công nhận nhiệm vụ tại Lữ đoàn 146, Vùng 4, Hải quân. Đến tháng 7-2014, Trung úy Thọ được điều động ra công tác tại đảo Song Tử Tây và hiện đang đảm nhiệm chức vụ Đảo phó. Bà Thủy hồi tưởng: "Nhớ năm ngoái, lần đầu tiên Thọ được nghỉ phép về thăm nhà với bộ quân phục lính thủy, vai khoác chiếc ba lô trông rất chững chạc… Từ khi đi lính đến nay, Thọ đã được về thăm nhà một lần vào đúng vào dịp Tết năm 2014. Đây là cái Tết đầu tiên gia đình mới được quây quần đón xuân đông đủ sau 4 năm Thọ vào quân đội. Khi Thọ kể chuyện ở đảo cả nhà nghe không biết chán: Nào là chiến sỹ ở đảo ăn Tết ra sao, rồi ở đảo cũng có cành đào, cành mai do lính tự tạo đẹp như đào phai quê mình… Khoảnh khắc giao thừa năm ấy thật khó quên. Thọ cũng thương gia đình lắm, hễ dành dụm được đồng nào là gửi về biếu bố mẹ luôn…. Giờ bằng tuổi Thọ (26) đã khối người có vợ con, thế mà riêng nó cứ nhắc tới chuyện cưới xin chỉ tủm tỉm cười và bảo: bố, mẹ "giấm" đi. Với Thọ, có lẽ đảo đã là gia đình thứ 2 rồi"… Với Trung úy Nguyễn Văn Thọ, được ra đảo công tác là điều kiện để rèn luyện bản lĩnh, sự quyết tâm, vững vàng tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Kết nối điện thoại với Trung úy Thọ, chúng tôi được anh cho biết: Đơn vị đã chú trọng đến các hoạt động vui chơi, giải trí và tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị ăn Tết, đón xuân vui tươi đầm ấm, tiết kiệm, bảo đảm an toàn. Đây là lần thứ 3, anh cùng đồng đội đón xuân trên đảo. Cũng có thịt lợn, thịt gà, cây mai, cây quất, mâm ngũ quả, bánh chưng gói bằng lá bàng vuông…Vẫn biết là gia đình sẽ nhớ, bạn bè trông mong nhưng anh em chiến sĩ trên đảo luôn nhắc nhau phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác trước mọi tình huống, sẵn sàng nhận, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Một mùa xuân mới lại về. Trong mỗi gia đình lính đảo, vốn đã thấm thía nỗi nhớ mong da diết và không khỏi lo lắng khi người thân mình đang ở nơi quanh năm sóng gió. Giấu niềm cảm xúc, nỗi nhớ thương người con trai của mình, bà Thủy cho biết: Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể thanh niên, phụ nữ…đều tới chúc Tết và trao quà cho gia đình, nỗi nhớ thương con khi vắng nhà trong những ngày xuân được sẻ chia, tôi cũng thấy lòng mình ấm áp hơn…
Rời nhà Trung úy Thọ, khi tia nắng ấm áp mùa xuân đã soi rọi khắp các nẻo đường, văng vẳng bên tôi giai điệu mùa xuân từ khúc hát: "Cành mai tươi thắm đón xuân về đây/Lộc xuân cho ta những điều may/Đàn chim én tung bay hòa ca, hân hoan đùa vui/Mọi người náo nức vì xuân sắp về/Rộn ràng tiếng nói trẻ thơ mọi nơi/Mùa xuân đến với bao điều mới"… Mùa xuân đã gõ cửa từng gia đình lính đảo cho đến từng người dân. Đằng sau mỗi mùa xuân yên vui, đằng sau từng tiếng cười của các em thơ chính là dấu chân thầm lặng của những người lính đang ngày đêm canh giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Và đằng sau dấu chân những người lính ấy chính là sự hi sinh thầm lặng của những người mẹ, người cha để các anh vững vàng nơi biên cương, hải đảo, vì sự bình yên của đất nước. Chính vì lẽ đó mà Trường Sa trở nên gần hơn với đất liền.
Đinh Ngọc