Với diện tích nhà xưởng 500m2, cùng một chiếc máy ép trấu và sản suất khoảng 800 tấn củi trấu, mỗi năm anh Đỗ Mạnh Trung thu nhập được 1,2 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 2 lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ với mức lương khoảng 3,5 triệu đồng/ tháng. Anh Trung cho biết: Qua tìm hiểu trên mạng Internet, nhận thấy mô hình máy ép củi trấu tại các tỉnh bạn không những cho hiệu quả kinh tế, mà mô hình còn phù hợp với quê mình. Đáng chú ý là củi trấu hoàn toàn có thể phục vụ sản xuất công nghiệp như đốt lò hơi, lò sấy, chế biến nông sản, thực phẩm rất hiệu quả.
Năm 2013, Anh Trung đã đầu tư hơn 300 triệu đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất vỏ trấu thành củi trấu. Trải qua những khó khăn ban đầu khi tiếp cận thị trường, than củi của cơ sở anh đã bắt đầu được ưa chuộng vì dễ bén lửa, duy trì sự cháy lâu và không gây ô nhiễm môi trường. Theo tính toán của anh Trung, trung bình 1,05 kg vỏ trấu sẽ cho ra thành phẩm 1kg than củi trấu.
Xét về khía cạnh kinh tế, việc sử dụng củi trấu có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với các loại chất đốt khác như than, củi hoặc ga.
Hiện nay, giá trung bình của than đá khoảng 4.000 đồng/kg, giá củi trấu chỉ khoảng 1.500 đồng/kg. Nhiệt lượng của 1 kg than tương đương với khoảng 1,5 kg củi trấu, như vậy nếu dùng củi trấu, các cơ sở sản xuất có thể tiết kiệm hơn 50% chi phí chất đốt mỗi năm. Vì vậy mà cơ sở sản xuất củi trấu của anh Trung đã nhanh chóng tìm được đầu ra cho sản phẩm và được thị trường ưa chuộng.
Đến nay, cơ sở sản xuất củi trấu của anh Trung không chỉ là đầu mối cung cấp nhiên liệu cho bà con trong vùng, mà còn cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy may, công ty phân bón trong và ngoài tỉnh. Những thành công bước đầu đã giúp anh Trung tự tin để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất.
Hiện anh đang có ý định nhân rộng mô hình sản xuất củi trấu ra nhiều địa phương lân cận, đặc biệt là những vùng nông thôn, góp phần giải quyết bài toán phụ phẩm nông nghiệp, đồng thời tạo thêm cơ hội để thanh niên nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định.
Minh Thúy