Nam Định là tỉnh ven biển, nằm ở trung tâm vùng nam đồng bằng sông Hồng, diện tích tự nhiên gần 1.700km
2, dân số gần 1,9 triệu người (trong đó 1,5 triệu người sống ở nông thôn), bờ biển dài 72km; là tỉnh đất chật, người đông, thuần nhất về dân tộc nhưng đa dạng về tôn giáo. Quá trình xây dựng phát triển kinh tế của tỉnh đã hình thành rõ nét 3 vùng kinh tế gồm: nông nghiệp, kinh tế biển và công nghiệp dịch vụ... Trước đây do những hạn chế về vị trí địa lý nên việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế của tỉnh nói chung, kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển vẫn rất hạn chế. Chương trình xây dựng NTM và thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được kỳ vọng tạo đòn bẩy mạnh mẽ nhằm tạo đột phá để có thể thu hút nguồn lực tổng hợp đầu tư thích đáng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, cải thiện toàn diện, căn bản đời sống người nông dân, giúp họ được thụ hưởng thành quả của sự phát triển tương xứng với những đóng góp của họ. Và thực tiễn xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 đã bước đầu khẳng định điều này.
Chương trình xây dựng NTM và thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh đã được sự tập trung chỉ đạo toàn diện, trực tiếp, sát sao của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Trên tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, các cấp, các ngành, các đoàn thể đều có các chương trình, kế hoạch hành động, phong trào thi đua hưởng ứng nhiệm vụ này.
Có thể nói, Nam Định đã huy động được sực mạnh tổng lực của toàn bộ hệ thống chính trị thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng NTM và thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Từ tỉnh đến các địa phương đều tìm được biện pháp thực hiện, chọn khâu đột phá đúng và trúng nên đã phát huy hiệu quả tích cực: như việc chọn dồn điền đổi thửa làm khâu đột phá để khắc phục sự manh mún, nhỏ lẻ của ruộng đất, quy gọn vùng đất công; tạo cơ sở cho tích tụ ruộng đất đáp ứng yêu cầu xây dựng các vùng sản xuất nông sản hàng hóa, tập trung; ngoài ra còn giúp tăng cường công tác quản lý đất đai, nguồn tiềm năng quan trọng của tỉnh...
Trong suốt quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu lớn này, Báo Nam Định với diện phát hành đến tận chi bộ cơ sở thôn, xóm và Báo Điện tử đã bám sát chỉ đạo của tỉnh, thực hiện tốt nhiệm vụ, phản ánh kịp thời quá trình triển khai thực hiện, cập nhật các văn bản chỉ đạo, chủ trương chính sách liên quan của Trung ương, của tỉnh để người dân nông thôn cũng như mọi người quan tâm được biết.
Ban biên tập Báo Nam Định đã phân công cho các phòng nghiệp vụ phóng viên phụ trách tuyên truyền về NTM theo địa bàn huyện, thành phố và chỉ đạo các phòng phân công phóng viên phụ trách địa bàn cụ thể để bảo đảm phóng viên bám sát địa bàn, nắm chắc thông tin quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM, từ đó tham mưu xây dựng kế hoạch đề cương tuyên truyền phù hợp.
Thường xuyên tổ chức giao ban, trao đổi nghiệp vụ về tuyên truyền xây dựng NTM và tái cơ cấu nông nghiệp để phóng viên nắm bắt kịp thời tư tưởng chỉ đạo của Ban biên tập trong tuyên truyền, phản ánh những vấn đề phát sinh trong thực tiễn để trao đổi, lựa chọn cách thức tuyên truyền bảo đảm hiệu quả.
Những gương cá nhân, tập thể tiên tiến, tiêu biểu, những cách làm sáng tạo, tâm huyết trong xây dựng NTM, tái cơ cấu nông nghiệp được ghi nhận, phản ánh kịp thời trên Báo có tác dụng cổ vũ, động viên khích lệ to lớn tinh thần hướng về quê hương, chung sức xây dựng quê hương NTM trong cộng đồng người Nam định ở khắp nơi. Cho nên có thể nói, Báo Nam Định cũng phát huy hiệu quả trong xúc tiến đầu tư tích cực phục vụ chương trình xây dựng NTM, tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, so với các tiêu chí và mục tiêu đặt ra cho thấy vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc và hạn chế trong quá trình thực hiện tái cơ cấu Nông nghiệp, xây dựng NTM...
Đối với công tác tuyên truyền về xây dựng NTM và tái cơ cấu nông nghiệp, chưa tổ chức được các khóa tập huấn chuyên sâu về các chương trình này cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên nên hiệu quả tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu. Thiếu những bài viết phân tích những kinh nghiệm, cách làm hay, hoặc chỉ rõ những vấn đề tồn tại có cơ sở lý luận, mang tính thuyết phục cao, cung cấp được những chất liệu thực tiễn cuộc sống có giá trị cho các nhà hoạch định chính sách và chỉ đạo chương trình. Đây là vấn đề cần được quan tâm trong giai đoạn 2016-2020.