Đạt được kết quả đó có nguyên nhân chính là các địa phương đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp canh tác sát với thực tế đồng đất địa phương mình, đặc biệt chú trọng tới việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa, mở rộng diện tích lúa cao sản thay thế các giống lúa đã thoái hóa, chất lượng gạo kém, năng suất thấp, kháng chịu sâu bệnh kém.
Sau khi khảo nghiệm và trình diễn ở các vụ sản xuất trước, các giống lúa Phú ưu số 1, Phú ưu 978 và CNR 5104 có ưu điểm: thời gian sinh trưởng ngắn, thích hợp cho việc mở rộng diện tích cây vụ đông trên đất lúa, cây khỏe, kháng được sâu bệnh, chống đổ ngã ở chân ruộng trũng, phù hợp với mọi chất đất, chịu thâm canh và cho năng suất cao. Với nhiều ưu điểm nổi trội, các giống lúa này đã được Bộ NN-PTNT công nhận và cho phép đưa vào sản xuất và gần đây các giống lúa này được UBND tỉnh chọn là 3 trong những giống lúa trong chương trình " xây dựng 20 nghìn ha lúa cao sản/năm".
Được tỉnh hỗ trợ 15 nghìn/1kg lúa giống cao sản, có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình sản xuất, vụ đông xuân năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Thơm và nhiều nông dân xã Đức Long (Nho Quan) có điều kiện tiếp tục đưa vào gieo cấy giống lúa Phú ưu số 1 để đảm bảo có lương thực cho cả năm, bởi lẽ nơi đây nhiều cánh đồng chỉ cấy được 1 vụ, còn 1 vụ bỏ hoang do mưa lũ.
Cán bộ huyện, xã, HTX các huyện Nam Trực, Giao Thủy, Xuân Trường (Nam Định) thăm mô hình lúa Phú ưu 1 tại xã Khánh Cường (Yên Khánh).
Bà Thơm cho biết, giống lúa Phú ưu 1 không là giống lúa cao cây, chống đổ ngã mà còn cho năng suất cao, do vậy năm nay bà tiếp tục đưa vào gieo cấy toàn bộ giống lúa này ở diện tích 4 sào của gia đình. Không chỉ cho năng suất cao, quy trình kĩ thuật không có gì khác so với lúa đã sản xuất trên địa bàn nhiều năm, các giống lúa lai trên có khả năng kháng chịu sâu bệnh cao, giảm chi phí trong đầu tư thuốc BVTV, góp phần bảo vệ môi trường bền vững.
Ông Đỗ Trọng Điển, Chủ nhiệm HTX Quyết Trung, xã Khánh Trung (Yên Khánh) cho biết: nhờ hiệu quả từ các giống lúa mới như Phú ưu 1, CNR 5104 mà ở vụ đông xuân năm nay, HTX đã mạnh dạn nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng, chủ động tưới tiêu để mở rộng diện tích các giống lúa cao sản chiếm 90% diện tích. Do vậy, năng suất lúa năm nay của HTX cao hơn so với vụ đông xuân năm trước từ 7-10%.
Từ việc đưa vào trình diễn các giống lúa Phú ưu số 1, Phú ưu 978 và CNR 5104 ở diện tích nhỏ, chương trình hỗ trợ của tỉnh về giống lúa cao sản đã giúp nhiều địa phương đưa vào mở rộng diện tích lúa cao sản, thay thế các giống lúa lai đã sử dụng nhiều năm, khả năng kháng sâu bệnh kém, cho năng suất thấp, tạo điều kiện cho bà con nông dân tăng năng suất cây trồng.
Khai thác đặc tính thích ứng rộng, chịu thâm canh của giống lúa Phú ưu số 1, chính sách hỗ trợ một phần kinh phí mua giống của tỉnh, vụ đông năm nay HTX Đông Thượng, xã Khánh Thượng (Yên Mô) đã mạnh dạn đưa vào gần hết diện tích lúa bằng giống lúa lai này bằng phương pháp gieo vãi. Đây là phương pháp mới được áp dụng vào sản xuất. Qua thăm đồng và đánh giá năng suất thống kê tăng hơn so với gieo cấy thông thường 20%.
Từ những đánh giá ban đầu, có thể khẳng định hiệu quả của các giống lúa Phú ưu số 1, Phú ưu 978 và CNR 5104 trong sản xuất nông nghiệp, chủ trương đưa vào sử dụng trong chương trình "xây dựng cánh đồng 20 nghìn ha lúa cao sản" của tỉnh là chủ trương đúng đắn và mang ý nghĩa xã hội quan trọng, giải quyết được an toàn lương thực, giúp bà con có thu nhập cao và đặc biệt bảo vệ môi trường do ít phải sử dụng thuốc BVTV, hướng tới xây dựng nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.
Bài, ảnh: Hoàng Sơn