Ngày 13/6/2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khóa XIII đã thông qua Luật sủa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015. Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi đã có nhiều quy định mới, có những sửa đổi bổ sung như: mở rộng đối tượng tham gia, Bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế cho người đang nghỉ thai sản, quy định về cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi, thay đổi về mức hỗ trợ, mở thông tuyến khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế, tăng mức phạt đối với doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm y tế…
Thứ nhất, về đối tượng tham gia đóng bảo hiểm y tế: bổ sung đối tượng được đóng bảo hiểm y tế bằng ngân sách nhà nước (người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo); bổ sung đối tượng được bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế (người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày và người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng); thành viên trong hộ gia đình (trừ trường hợp đã tham gia đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động, theo chế độ đối với người có công, bảo trợ xã hội học sinh, sinh viên) cũng sẽ phải tham gia đóng bảo hiểm y tế với mức đóng cụ thể: người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở, người thứ hai, thứ ba và thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất, từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Thứ hai, Bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế cho người đang nghỉ thai sản: trong thời gian lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hàng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng.
Thứ ba, quy định về cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi: Hồ sơ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi không cần bản sao giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh, ngoài tờ khai tham gia bảo hiểm y tế chỉ cần bổ sung danh sách tham gia bảo hiểm y tế do UBND xã, phường, thị trấn lập
Thứ tư, thay đổi về mức hỗ trợ: mở rộng đối tượng được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh như: binh sỹ quân đội đang tại ngũ, học viên công an nhân dân, cựu chiến binh, người được hưởng bảo hiểm xã hội hành tháng, người thuộc hộ gia đình nghèo, cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sỹ...; Đặc biệt là đối tượng đóng bảo hiểm y tế liên tục trên 5 năm, đã thanh toán tiền khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở cũng được hưởng 100% (trừ trường hợp trái tuyến); Tăng mức hưởng bảo hiểm y tế của thân nhân người có công với cách mạng và người thuộc hộ gia đình cận nghèo từ 80% lên 95%; Mức hỗ trợ cho trường hợp khám, chữa bệnh trái tuyến được quy định cụ thể: đối với tuyến huyện được hỗ trợ 70%, tuyến tỉnh được hỗ trợ 60%, tuyến trung ương được hỗ trợ 40%.
Thứ năm, quy định về mở thông tuyến khám, chữa bệnh có bảo hiểm y tế: từ ngày 01/01/2016 sẽ mở thông tuyến khám, chữa bệnh có bảo hiểm y tế giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh; mở thông tuyến khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế đến tuyến tỉnh và tuyến trung ương khi điều trị nội trú đối với người thuộc diện hộ nghèo và người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội, khó khăn, đặc biệt khó khăn, người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo.
Thứ sáu, tăng mức phạt đối với doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm y tế: cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ thì không những phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng (tăng gấp đôi so với trước đây), ngoài ra thì người sử dụng lao động còn phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Ngọc Hải