Không nản lòng, với chất lính được tôi luyện trong quân đội cùng với bản chất cần cù, siêng năng, ông đã động viên vợ phải cố gắng vượt qua những khó khăn ban đầu và quyết tâm lao động sản xuất để vươn lên làm giàu chính đáng. Năm 1990, ông bàn với vợ chuyển xuống khu trại giống lúa của xã Khánh Nhạc để khai hoang canh tác. Với diện tích đất được giao là 3.600 m2 và chủ trương lấy ngắn nuôi dài, ông vay mượn được 20 triệu đồng, mở được 2 lò gạch, tạo việc làm cho một số người dân quanh vùng. Từ việc lấy đất làm gạch, ông nạo vét và xây dựng được 1.600 m2 ao để thả cá truyền thống: Mè, trôi, trắm, chép... Với các đối tượng cá truyền thống này, thời gian nuôi kéo dài mà thu nhập mỗi năm trừ chi phí lợi nhuận mang lại chỉ được 7 - 8 triệu đồng. Ông trăn trở suy nghĩ tìm con giống mới để thay thế các loài cá truyền thống, nhằm nâng cao giá trị sản xuất.
Năm 2012, ông Nhượng tham dự lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá lóc bông thương phẩm do Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Ninh Bình tổ chức tại xã Khánh Nhạc, đồng thời ông trực tiếp sang tham quan các mô hình nuôi cá lóc bông tại tỉnh Nam Định, thấy được đây là đối tượng con nuôi mới, hiệu quả kinh tế cao, ông đã làm đơn xin tham gia xây dựng mô hình nuôi cá lóc bông thương phẩm, thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh "ứng dụng công nghệ sản xuất giống cá lóc bông bằng phương pháp sinh sản nhân tạo và xây dựng mô hình nuôi cá lóc bông thương phẩm tại tỉnh Ninh Bình" do Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Ninh Bình chủ trì. Kết quả năm 2012, ông xuất bán ra thị trường gần 3 tấn cá lóc bông thương phẩm, sau khi trừ các khoản chi phí, ông thu lời 40 triệu đồng. Xác định đây là đối tượng nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2013 ông bỏ làm lò gạch để tập trung vào nuôi thủy sản và sản xuất nông nghiệp, mỗi năm ông duy trì nuôi 5.000 - 6.000 con cá lóc bông, xuất ra thị trường hơn 5 tấn cá thương phẩm. Với kinh nghiệm nuôi cá lóc bông có được, năm nay gia đình ông mạnh dạn nuôi 10.000 con, dự kiến thu gần 8 tấn cá thịt xuất bán ra thị trường, lợi nhuận ước tính 250 triệu đồng. Ông cho biết: Nuôi cá lóc bông không mất nhiều thời gian, kỹ thuật nuôi không khó, không đòi hỏi diện tích nuôi quá lớn, mô hình cho lợi nhuận tương đối cao. Nếu nuôi đúng quy trình kỹ thuật, cho ăn đầy đủ, cá sẽ lớn rất nhanh, nuôi sau 5 - 6 tháng cá có thể đạt trọng lượng từ 1 - 1,3 kg/con.
Ngoài nuôi cá, ông Nhượng còn đầu tư hơn 200 triệu đồng để mua máy cày, máy tuốt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của bà con trong xã và tăng nguồn thu nhập cho gia đình. Không chỉ có vậy, vợ chồng ông còn sản xuất 1 mẫu lúa, hàng năm thu gần 5 tấn lúa đủ trang trải lương thực trong năm cho gia đình và còn bổ sung thức ăn cho chăn nuôi. Bằng phương châm lấy ngắn nuôi dài, vừa sản xuất vừa đầu tư, kinh tế gia đình ông tăng lên đáng kể. Năm 2015, tổng thu nhập của gia đình ông từ việc nuôi cá lóc bông, sản xuất và dịch vụ nông nghiệp được gần 200 triệu đồng. Năm nay, với sản lượng dự kiến gần 8 tấn cá lóc bông, hứa hẹn sẽ mang lại cho gia đình ông một nguồn thu nhập đáng kể.
Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế gia đình, ông Nhượng còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động; sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với các hội viên Hội nông dân và bà con lối xóm, được nhiều người trong xã tin yêu, quý trọng. Nhiều năm liền ông Nhượng vinh dự được Hội Nông dân xã Khánh Nhạc công nhận là nông dân giỏi cấp xã. Ông tâm sự: "Có được kết quả hôm nay, ngoài sự phấn đấu không ngừng của hai vợ chồng tôi, cũng nhờ Đảng và Nhà nước, chính quyền đã quan tâm giúp đỡ, tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản để cho hiệu quả cao".
Nguyễn Thị Hiên
Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Ninh Bình