Nghề Y là một nghề vinh quang và cao quý, nhưng cũng rất vất vả và khó nhọc. Để có tấm bằng bác sĩ, chúng tôi phải trải qua 6 năm miệt mài trên giảng đường và thực tập tại các cơ sở y tế, rồi sau này còn phải tiếp tục học thêm chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ… Rõ ràng, không như các ngành khác, nghề y thường phải trải qua khoảng 8-10 năm học tập mới có được những kiến thức nền tảng, vững chắc để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Tốt nghiệp đại học ra trường được gần 5 năm, tôi yêu nghề, xác định gắn bó với nghề mà mình đã lựa chọn, nhưng đôi khi, chúng tôi có những nỗi buồn rất đời thường và cần sự thông cảm, sẻ chia của những người thân, bạn bè. Đơn cử như, vào dịp Tết đến Xuân về, hầu hết các bạn được vui xuân, du lịch, thăm thú đó đây, đêm về được chăn ấm gối êm say giấc nồng; còn với những người theo nghề y như chúng tôi, lúc bệnh nhân cần là có mặt, nhiều đêm trực gặp phải ca bệnh hiểm nghèo, rất cần sự tập trung cao độ cho công việc. Là một bác sĩ trẻ mới ra trường, lòng yêu nghề, nhiệt huyết tuổi trẻ đang dâng trào, tôi luôn mong muốn được đóng góp công sức, trí tuệ của mình, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 3 năm gần đây tôi đều đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, năm 2014, được Sở y tế tặng giấy khen và năm 2015, được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Tôi xác định phải luôn nỗ lực phấn đấu học hỏi, trau dồi y đức, có thái độ ân cần, niềm nở và gần gũi nhất để người bệnh yên tâm, tin tưởng khi đến gặp mình. Đồng thời cũng mong muốn, bệnh nhân và người nhà của họ hãy đứng ở vị trí của chúng tôi, để thông cảm, sẻ chia và có cái nhìn độ lượng hơn, động viên, tiếp sức cho chúng tôi thêm yêu nghề, hoàn thành tốt trách nhiệm khó khăn nhưng đầy vinh quang.
Bác sĩ Đồng Thị Thuận
Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh