Chuyến đi đến với Trường Sa phải nói ngay là một chuyến "thực tế cơ sở" có một không hai. Trong hành trình đến với những người lính biển, chúng tôi phải vượt hàng nghìn cây số đường trường, "ăn chực nằm chờ" tại cảng Cam Ranh, trên tàu thì thiếu nước, say sóng, cơm không rau xanh…Nhưng tôi và một đồng nghiệp rất vui vì đã được đặt chân lên các đảo Tốc Tan, Cô Lin, Len Đao, Núi Le, Đá Đông, Tiên Nữ, Phan Vinh, Trường Sa Đông…, đã có những ngày tháng "ba cùng" tuyệt vời với những người lính đảo. Chính những ngày tháng ấy giúp chúng tôi có được những cái nhìn chân thực nhất về người lính. Là lính đảo, những vất vả, khó khăn không kể xiết: thiếu nước sinh hoạt, cơm không rau, những phiên gác trong bịt bùng gió biển, những tai nạn bất ngờ trong những chuyến tuần tra và đặc biệt nỗi buồn vô hạn khi phải xa gia đình, người thân. Song cũng chính từ khó khăn gian khổ ấy ở mỗi người lính vẫn toát lên tinh thần lạc quan, vui vẻ. Những nơi chúng tôi đến dù đảo chìm hay đảo nổi, đời lính vẫn đầy ắp tiếng cười. Lính biển vừa tuần tra canh gác, vừa tăng gia sản xuất. Tiết kiệm từng ca nước ngọt nhưng các đơn vị vẫn trồng rau, nuôi lợn gà, nhờ thế mà bữa cơm người lính được cải thiện. Các đảo đã có điện, điện thoại, rút dần khoảng cách giữa đảo với đất liền, đời sống vật chất tinh thần của người lính ngày được cải thiện. Được đến với Trường Sa, có những ngày tháng ý nghĩa cùng những người lính đảo, với cá nhân tôi đó là một thứ hạnh phúc không gì đo đếm được. Trách nhiệm với nghề thôi thúc tôi có những hành động như là một cách trả món nợ ân tình với những người lính biển.
Với trách nhiệm của người làm báo, trước, trong và sau chuyến đi, tôi và đồng nghiệp đã đăng tải hàng loạt bài viết, giúp độc giả có cái nhìn chân thực về đời sống của người lính trên các đảo. Nhờ các bài viết, bạn đọc thêm hiểu, chia sẻ với những vất vả, gian khổ hy sinh của người lính hải quân cho nhiệm vụ giữ gìn vùng biển thiêng liêng Tổ quốc. Những tác phẩm báo chí làm cầu nối xích lại gần hơn giữa biển đảo với đất liền, giữa người lính với gia đình, giữa quân và dân, là nguồn động viên không chỉ đối với người lính mà cả đối với gia đình họ, khiến người lính yên tâm công tác.
Không chỉ viết về những quân nhân đã gặp gỡ trong chuyến đi cùng những điều mắt thấy tai nghe, trách nhiệm của người cầm bút đã thôi thúc tôi cùng các đồng nghiệp có nhiều bài viết với điểm nhìn đa dạng hơn về biển đảo của Tổ quốc. Không chỉ viết về những người lính mà tôi cùng những đồng nghiệp còn viết về "hậu phương" của họ, kêu gọi ủng hộ, biểu dương, thông tin kịp thời, đầy đủ các chương trình hoạt động như: Góp đá xây Trường Sa, Đêm Ga-la học kỳ quân đội năm 2014 với chủ đề:"Yêu lắm biển đảo quê hương", Chương trình tặng nhà tình nghĩa cho các chiến sỹ Trường Sa của Tỉnh đoàn, của quân chủng hải quân, chương trình Tuổi trẻ Kim Sơn chung sức vì biển đảo quê hương, hoạt động thăm, tặng quà của lãnh đạo tỉnh cho gia đình các chiến sỹ Trường Sa trong các dịp lễ, Tết…
Các bài viết về biển đảo nói chung và các bài viết về Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng có giá trị và ý nghĩa đặc biệt, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Những thông tin từ những bài viết trên báo Ninh Bình đã góp phần không nhỏ vào việc chung tay bảo về chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Đó cũng là ý nghĩa thiết thực từ những chuyến đi thực tế của các phóng viên Báo Ninh Bình, là những đóng góp của báo chí cho sự nghiệp báo vệ chủ quyền biển đảo dân tộc.
Mai Phương-Minh Đường