Đó là đêm diễn ra buổi truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt vừa mới diễn ra trung tuần tháng 4/2018. Những ngày gần đó, các sự kiện liên tiếp cần tuyên truyền và chào mừng khiến tôi đã mệt nhoài và cảm thấy muốn được nghỉ ngơi. Việc được giao đưa tin buổi tối theo chương trình truyền hình trực tiếp trên Đài THVN thực sự khiến tôi không thực sự hào hứng. Lý do là những tin chờ kiểu này rất áp lực đối với mỗi phóng viên được giao nhiệm vụ- sự áp lực đến từ nhiều phía: Vừa phải đảm bảo tin hoàn thành sớm nhất có thể, vừa phải đảm bảo tính chuẩn xác, bởi đằng sau đó là cả một ê kíp ngồi chờ làm công tác biên tập, chế bản tại Tòa soạn.
Để thực hiện tin tối đó, tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng những gì có thể làm trước được từ ngay buổi tối hôm trước - vào buổi tổng duyệt cuối cùng. Đó là việc xin kịch bản chi tiết, kịch bản tóm tắt, các bài phát biểu của lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh, nội dung chương trình buổi truyền hình trực tiếp… Rồi cẩn thận hơn, tôi viết tin sơ bộ, bỏ trống, gạch nhớ những chỗ cần xem xét, để sau đó chỉnh sửa lại, đảm bảo sự chuẩn xác tuyệt đối, như việc giới thiệu các đại biểu, thứ tự giới thiệu đại biểu, tuần tự các nội dung hoạt động diễn ra trong lễ kỷ niệm…
Chuẩn bị đầy đủ, chỉn chu là vậy, nhưng vào ngày diễn ra sự kiện, nhất là thời điểm buổi tối diễn ra lễ kỷ niệm, tôi vẫn không lường trước được những việc phát sinh để chủ động giải quyết. Đó là việc có quá đông người dân tham dự lễ kỷ niệm khiến giao thông ách tắc, tất cả các ngả đường đều tắc cục bộ đúng thời điểm tôi cần "thoát thân" về cơ quan hoàn thành nốt phần tin dang dở; là việc tất cả các sóng điện thoại đều tạm dừng không liên lạc được do nghẽn mạng; là việc không có một hãng xe taxi nào dám đón khách gần khu vực diễn ra lễ kỷ niệm, một phần vì sự cấm đường của lực lượng công an, phần khác là sợ cảnh tắc đường nhiều giờ liền không thể ra - vào được ảnh hưởng đến uy tín, doanh thu…
Vậy là, điện thoại không liên lạc được, trong khi xe cơ quan chở chúng tôi lên tác nghiệp đã về sớm để lo các công việc khác, xe thay thế có thể lên đón thì không được phép vào vì đường đã tắc tất cả các ngả. Không thể điện thoại không có nghĩa là ngồi một chỗ để chờ đợi, trong khi đã hơn 21h đêm, tin thì chưa hoàn thiện. Tôi đành cuốc bộ theo dòng người kẹt cứng nhích từng bước một với mong muốn, chỉ chút nữa thôi là thoát cảnh tắc đường, chấm dứt cảnh nóng bức, chen chúc đi lại lộn xộn này… Xuôi theo dòng người hàng km, đôi khi tránh xe ô tô tắc đường đang đỗ lại, tôi cùng những người khác lách qua những đống đất đá ven đường nhấp nhô hoặc những bãi cỏ dại mọc um tùm với mong muốn dịch chuyển được chút nào hay chút ấy.
Rồi khi đến cả ven đường cũng chật kín người thì tôi tá hỏa và bất lực thực sự. Đôi giầy cao gót ngày thường dễ đi, điệu đà bao nhiêu thì nay "phản chủ" kiến đôi chân đau nhức, bước thấp bước cao khập khiễng, bởi nó không chỉ phải chịu đựng số cân nặng của một người, lại kèm theo chiếc túi xách đeo vai to đùng với hàng đống tài liệu, bản thảo, điện thoại, sổ sách… và 1 ba lô tôi nhận cầm giúp cho anh đồng nghiệp chụp ảnh, trong đó có chân máy, ống kính chụp từ xa và các dụng cụ phòng trường hợp mưa gió của anh… tất cả được tôi khoác trên hai vai trĩu nặng không dưới 15 kg.
Khi không thể chịu đựng thêm được, tôi quyết định tháo giầy cầm tay và đi chân đất, mặc cho có những ánh mắt nhìn ngạc nhiên hay những câu trêu đùa dù là vui thôi nhưng cũng mang lại sự ngại ngùng cho mình... Lúc này tôi mới nhớ ra mình đang đeo chiếc thẻ tác nghiệp mang tên "Phóng viên" to đùng màu xanh trước ngực, rồi vội vàng bỏ ngay vào túi xách như không muốn thêm một ai biết mình là phóng viên.
Những tưởng khi thoát được đám đông chen chúc, tôi sẽ có cơ hội để thoát nạn, nhưng rồi khi tôi hỏi đường thì nhận ra mình đã đi lạc đường, đám đông chen chúc lúc trước đã "đu kéo" khiến tôi nhầm đường, đi vào một con đường khác xa hơn, xấu hơn, vòng vèo hơn mới có thể về được thành phố Ninh Bình. Mỏi mệt và lo lắng, tôi hỏi tất cả các xe taxi đỗ ven đường thì đều nhận được câu trả lời không chở, đang đợi người thuê xe ra về, gọi về trung tâm điều hành của hãng thì chỗ báo hết xe, chỗ cho biết tuyến đường đó đang tắc không dám cho xe vào, mà gọi cho anh em cơ quan, đồng nghiệp thì người được người không và bản thân họ cũng đang tìm đường thoát cho mình…
Bước chân mệt mỏi, rã rời, tôi hỏi một số người đi đường thì được biết, quãng đường mình đã đi bộ từ sân Cố đô Hoa Lư ra tới đây không dưới 5km. Con đường lúc này vắng dần, người đi lại cũng ít hơn, các xe ô tô dù là biển xanh hay trắng khi thoát được quãng đường tắc hàng km lao nhanh vùn vụt như trốn chạy khỏi đám đông khiến tôi không có cơ hội nào được bắt xe đi nhờ. Lúc này đã gần 23h đêm. Đèn đường không có, con đường phía trước chỉ thấp thoáng, nhập nhòe vài ánh đèn xe đi lại. Hai bên đường là những vùng nước rộng, lạnh lẽo, xa hơn là những dãy núi đen xì, ảm đạm. Tôi buộc phải dừng lại, dự định quay lại chỗ đám đông vừa đi qua và tìm cho mình một phương án nào đó.
Chán nản chuẩn bị quay lại đoạn đường mình vừa đi qua, tôi như vớ được "vàng" khi gặp một người phụ nữ đi xe máy chầm chậm bên đường. Không ngại ngần, tôi đánh bạo chặn chị dừng xe để hỏi đường và đưa ra yêu cầu chở giúp tôi về thành phố. Thấy chị ngần ngừ nói đang đi tìm con đi chơi từ chiều đến giờ chưa về, tôi nhanh chóng ra giá số tiền đủ để thuyết phục chị vừa là giúp đỡ vừa là được trả công xứng đáng cho công việc phải làm vào buổi đêm muộn như vậy. Rất may sau đó chị đã đồng ý và tôi thở phào vì mình đã "thoát nạn".
Với sự thông thạo của người dân địa phương, chỉ ít phút sau, đi bằng con đường tắt, chị cũng đưa tôi về đến cơ quan vào thời điểm hơn 11h đêm. Trên quãng đường được chị chở về, vì không biết đường, con đường đi tắt lại vắng vẻ, tối tăm, có những đoạn qua núi không người ở, tôi như mắc bệnh nghề nghiệp, hoặc do quá lo xa, tôi luôn thường trực nỗi lo lắng mơ hồ, rằng chị chở tôi đi đâu, có nguy hiểm gì đến tính mạng hay không, có khi nào xảy ra chuyện dọa nạt để cướp của... Để tự trấn an mình, tôi liên tục hỏi chị phụ nữ về nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình, địa chỉ nhà của chị… để tạo sự tin tưởng cho mình. Chỉ đến khi tôi nhận biết được con đường mình đã từng đi thì tôi mới dần gạt bỏ những lo lắng và thực sự thở phào nhẹ nhõm khi được chị chở đến trước cổng cơ quan Báo Ninh Bình. Dù phải trả số tiền cao hơn nhiều lần nhưng tôi vẫn cảm ơn chị rất nhiều - một người phụ nữ chưa kịp hỏi tên, sinh sống ở xã Ninh Xuân (Hoa Lư) đã nhiệt tình giúp đỡ một người phụ nữ khác trong đêm khuya. Và với tôi, đây là một kỷ niệm đáng nhớ trong nghề làm báo của mình.
Mỹ Hạnh