Một quần thể hang động tuyệt đẹp với những thung nước mênh mông, trữ tình, những đền đài linh thiêng, huyền bí cùng tạo nên một danh thắng làm say lòng du khách.
Cội nguồn dân tộc
Khu du lịch sinh thái Tràng An nằm trên địa bàn các xã: Trường Yên, Ninh Xuân, Ninh Hải, Ninh Hòa, Gia Sinh, Ninh Nhất và phường Tân Thành, tỉnh Ninh Bình. Đây là một trong 100 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam, đang được đề nghị công nhận là di sản thế giới. Với 49 hang động xuyên thủy, 31 thung nước và 18 điểm tâm linh, du khách có thể vượt lộ trình xuyên qua các hang động dài khoảng 30 km bằng đường thủy, thưởng ngoạn toàn bộ vẻ đẹp của Tràng An.
Đền Nội Lâm (Đền Trần) Khởi đầu cuộc hành trình khám phá khu hang động Tràng An, các thành viên của đoàn Báo Cà Mau theo nhau bước xuống những con đò nhỏ với chiều dài không quá 3 m. Nét mặt ai nấy đều ánh lên vẻ hào hứng xen lẫn chút tò mò về hành trình khám phá đang chờ đón phía trước. Dưới cái nắng gay gắt, chiếc đò xuôi dòng mở ra không gian mát dịu, trong lành khi mọi người cùng đưa mắt về thung nước bao la trước mắt, chuẩn bị chặng đường chinh phục 10 hang động và thăm viếng các điểm tâm linh.
Chiếc đò bắt đầu rẽ nước, đưa từng đoàn người khám phá vẻ kỳ thú của thiên nhiên. Những hình ảnh đẹp như tranh vẽ lần lượt hiện ra trước mắt. Kia là núi non trùng điệp, dưới nước rêu mọc chao nghiêng. Xa xa, những chú le le vô tư lặn hụp như không cần biết đến sự hiện diện của con người. Những chú dê núi như dõi theo từng bước chân của du khách. Không những vậy, đi đến đâu cả đoàn còn được cô lái đò, kiêm luôn hướng dẫn viên Giang Thị Phượng nhiệt tình kể cho đoàn nghe về huyền thoại, gắn liền địa danh nơi đây và hướng dẫn cách cảm nhận vẻ đẹp của những nhũ đá lấp lánh có hình thù kỳ thú.
Tọa lạc trên một mảnh đất cao ráo, bằng phẳng, Phủ Khống hiện ra trước mắt, đây là điểm đầu tiên đoàn dừng chân ghé thăm. Được lập vào năm 1865, nơi đây thờ hai vị tướng trung thành của thời Đinh: Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù, là những người khai quốc công thần cùng vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân. Sau khi vua Đinh băng hà, triều đình xảy ra cuộc nội chiến. Hai vị tướng đã cõng ấu chúa vào khu núi này lẩn trốn. Người đời tưởng nhớ công hai vị trung thần nên đã lập đền thờ.
Ngồi trên thuyền thong dong qua các thung lũng trong veo, du khách sẽ có được cảm giác dường như đang tìm về chốn bình yên sau những tháng ngày "bon chen" nơi đô hội. 4 đền thờ cũng là nơi thiêng liêng để cho con người hướng đến tâm linh cho lòng thanh thản. Đồng thời, đây cũng là nơi để mọi người nhớ lại những khí phách vẻ vang của các bậc hiền tài đã có công xây dựng và giữ gìn đất nước bình yên, tươi đẹp như hôm nay.
Những hang động kỳ thú
Thong dong một đoạn, cả đoàn bất chợt trôi vào hang động Địa Linh. Với chiều dài khoảng 1.500 m, đây là một trong những hang rất linh thiêng của khu du lịch. Trần hang có những chỗ phẳng như cắt bê-tông, những chỗ rộng như một hội trường nhưng cũng có những chỗ hẹp chỉ khoảng 2,5-3 m, vào mùa cạn rất khó để thuyền qua lại.
Tiếp đến là hang Tối. Suốt hành trình dài 315 m, mọi người cứ ngỡ như lạc vào chốn thâm cung với muôn ngàn nhũ đá giăng hình mắc võng. Tầng tầng, lớp lớp hiện ra trước mắt như vây lấy thuyền. Trong hang, chỉ nghe được tiếng máy chèo lách tách khua trong nước. Thỉnh thoảng vài giọt nước rơi xuống từ trần hang mát lạnh. Cô lái đò luôn miệng nhắc nhở du khách khom người để tránh nhũ đá.
Không khoác lên mình chiếc áo long lanh của những nhũ đá lấp lánh hoa cương, hang Seo mang những vẻ đẹp già dặn của những nhũ đá già được thiên nhiên kỳ công gọt đẽo, tạo một vẻ đẹp kỳ vĩ so với những hang khác.
Đi được một khoảng, cả đoàn lại lọt vào một không gian hoàn toàn khác lạ. Đó là hang Nấu Rượu. Trong hang có một giếng sâu khoảng 13-15 m. Điều lạ là nước giếng trong hang rất trong, ngọt và mát lạnh. Chuyện kể rằng, các bậc tiền nhân xưa đã phát hiện ra nguồn nước này và dùng nó để chưng cất rượu.
Trên đường đi qua hang Nấu Rượu, cả đoàn được ghé thăm đền Nội Lâm (còn gọi là đền Trần), chốn thiêng giữa núi. Với hơn 300 bậc đá, vách núi cheo leo, có khi dựng đứng càng tạo sự tò mò để cả đoàn quyết tâm trèo lên đỉnh núi.
Đền Trần là nơi thờ Quý Minh và Hoàng Phi quý nương là phu nhân của thần Quý Minh. Theo truyền thuyết, thần Quý Minh là một vị tướng của vua Hùng, trấn ải sứ Sơn Nam.
Nét độc đáo của ngôi đền là các xà ngang, bậc cửa, 12 cột và mái hiên đều làm bằng đá. Đặc biệt, hàng cột ngoài hiên gồm 4 cột, mặt tiền đều chạm khắc nổi rồng mây ở giữa, phía trên chạm khắc chim phượng hoặc cá hóa phượng, phía dưới chạm khắc rùa, cá rô, con ly, hoa sen và lá sen. Đường nét chạm khắc tinh tế, uyển chuyển, mềm mại, sống động lạ thường. Đúng là những khối đá có hồn, độc nhất, vô nhị, thể hiện tinh hoa của nghệ thuật dân gian.
Các du khách từ nhiều vùng, miền khác nhau, trẻ hay già đều ghé đền Trần khấn vái. Bà Lã Thị Thơm, xã Yên Lộc (Kim Sơn), đã ngoài 63 tuổi, dù tuổi cao sức yếu vẫn leo hơn 300 bậc thang để tìm đến chốn linh thiêng này. Bà vừa thở dốc, vừa tâm sự: "Ngày xưa, các vị tướng đã không tiếc thân mình để xây dựng, giữ gìn đất nước như hôm nay thì không thể nào, một người con của Đất Việt lại ngại đường xa, thân già đến đây".
Rời đền Trần, chiếc thuyền còn đưa cả đoàn đến những hang động khác: hang Sơn Dương, hang Khống,… mỗi hang đều mang một vẻ đẹp và ý nghĩa riêng của non nước Trường An. Chặng cuối cuộc hành trình chính là hang Quy Hậu, dù đi đến đâu nhưng cuối cùng du khách vẫn phải qua hang động này. Hang dài khoảng 70 m, trước cửa hang có một đàn Hải Cẩu đá đang chụm đầu vào nhau nô đùa.
Cuộc hành trình khép lại nhưng những âm vang về một vùng đất địa linh này vẫn ngân vang trên suốt chuyến xe trở về. Mỗi người đua nhau thổ lộ những cảm nhận về những hang động, thắng cảnh, khí thế cha ông thời dựng nước và giữ nước còn lưu dấu tại vùng đất Trường An đầy kỳ thú. Chỉ một lần qua đây, du khách phần nào cảm nhận được vẻ đẹp thơ mộng của vùng đất này, cảm nhận được cái thi vị, linh thiêng để rồi nhớ mãi.
Hồng Nhung
(Báo Cà Mau)