Câu chuyện với chị Phạm Thị Tình, cộng tác viên dân số xã Đồng Phong đã cho thấy trên sân khấu và công việc đời thường của chị và những cộng tác viên dân số chẳng khác là bao. Vừa xong tiết mục của đội tuyển, chị Tình vui vẻ chia sẻ: Tôi đã đảm nhiệm công việc của một cộng tác viên dân số ở thôn Lạc Uyển gần 9 năm rồi. Cái khó của một người làm dân số ở xã miền núi chính là do nguồn thông tin không nhiều nên người dân còn thiếu hiểu biết về việc chấp hành các quy định của pháp luật về dân số/KHHGĐ.
Vì vậy, khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ được giao, tôi đã tìm mọi phương thức để đưa những kiến thức này đến được với mọi đối tượng cần vận động. Thực hiện tuyên truyền những lúc có thể như: Khi đi làm đồng cùng nhau, khi tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ, hoặc tranh thủ lúc rảnh rỗi sang chơi nhà nhau…
Vậy là nhiều chị em, nhất là chị em trong độ tuổi sinh đẻ không chỉ được tiếp cận kiến thức mà con thường xuyên trao đổi, hỏi về những kiến thức cần thiết để tự chăm sóc sức khỏe sinh sản bản thân.
Ở thôn Lạc Uyển, những năm trước việc tiếp cận với nam giới để họ cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc KHHGĐ còn khó vì nhiều người còn ngại ngùng khi đề cập đến vấn đề này, ít sinh hoạt, hội họp… Nhưng rồi "mưa dầm thấm sâu", nhiều người đã hiểu và cùng vợ áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Đặc biệt, trong thôn còn có một bộ phận người dân là người có đạo, nhưng công tác dân số thực hiện chính sách dân số nên bà con giáo dân đều chấp hành tốt việc KHHGĐ đã nhận được sự quan tâm của các linh mục, chánh trương, trùm trưởng trong việc tuyên truyền, vận động người có đạo.
Năm 2011, thôn Lạc Uyển không có người sinh con thứ 3. Năm 2012 chỉ có 1 trường hợp sinh con thứ 3 trong tổng số gần 90 người trong độ tuổi sinh đẻ… Đối với chị Phạm Thị ánh Nguyệt, cộng tác viên dân số phường Phúc Thành (thành phố Ninh Bình) lại luôn trăn trở về những cái khó "mới" trong công tác dân số ở đô thị. Theo chị Nguyệt, phần lớn cán bộ, công chức, người lao động chấp hành khá tốt công tác Dân số/KHHGĐ. Tuy nhiên, khi đời sống kinh tế ngày càng khấm khá thì một số gia đình lại nghĩ đến việc sinh thêm con cho vui cửa, vui nhà.
Những trường hợp như thế đối với những cộng tác viên dân số thực sự là những "ca" khó vì họ rất cương quyết khi tiếp xúc với cộng tác viên dân số. Để giải quyết tình huống này, nhiều cộng tác viên dân số phải nhờ đến các mối quan hệ với người cao tuổi, vận động từ ông, bà, bố mẹ của đối tượng để giải thích, vận động…
Nét nổi bật trong suốt Liên hoan mà ai cũng dễ cảm nhận được là các tiết mục trong phần chào hỏi hay trong phần thi tài năng đều đề cập đến những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, đó là tình trạng mất cân bằng giới tính của đội tuyển huyện Kim Sơn, việc chấp hành quy định của Pháp lệnh Dân số về việc chỉ nên sinh 2 con để xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc của đội tuyển thị xã Tam Điệp, việc cần phải quan tâm đến chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với phụ nữ, nhất là các bà mẹ mang thai của đội tuyển huyện Yên Mô… Các câu hỏi của phần thi tìm hiểu kiến thức với những nội dung hết sức cụ thể như: cách thức sử dụng các biện pháp tránh thai; các bệnh lý sơ sinh được sàng lọc ở Ninh Bình hiện nay; các hành vi lựa chọn giới tính nào bị pháp luật nghiêm cấm, nhóm đối tượng cần ưu tiên truyền thông về dân số/KHHGĐ; dịch vụ dân số gồm những nội dung gì, các bệnh lây truyền qua đường tình dục… đã giúp người xem có thêm kiến thức cần thiết để bạn trẻ hăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Đồng chí Lưu Danh Cung, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số/KHHGĐ tỉnh cho biết: Liên hoan được tổ chức nhằm mục đích tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác Dân số/KHHGĐ, giúp người dân và cả đội ngũ những người làm công tác dân số quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng dân số Liên hoan giúp mọi người có cái nhìn chính xác nhất, khách quan nhất về công tác Dân số/KHHGĐ, góp phần thực hiện tốt chính sách dân số, nâng cao sức khỏe cho người dân và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bùi Diệu