Đến thăm gia đình anh Mai Xuân Tưởng vào những ngày đầu xuân mới, gặp anh đang miệt mài cắt tỉa, chăm sóc cây cảnh trong khu vườn nhỏ chúng tôi thực sự bị hút hồn trước cơ man nào là cây sanh, si, lộc vừng, tùng… với đủ mọi kiểu dáng, được bài trí thành từng hàng, từng dãy gọn gàng, ngăn nắp mà như anh Tưởng nói là "có chủ đề, chủ điểm cả đấy". Anh Tưởng tâm sự: "Tôi là một nông dân thực thụ. Trước khi biết cầm kéo, cắt tỉa cây cảnh, thu nhập của cả gia đình tôi chỉ trông vào hai sào ruộng. Song hiệu quả của cấy lúa không cao, loay hoay hai vụ cũng không đủ ăn, đời sống gia đình thực sự khó khăn. Hai vợ chồng với bàn tay trắng lập nghiệp, rồi lần lượt sinh 4 người con khiến con đường thoát nghèo của gia đình thêm khó khăn hơn. Tính đến trước thời điểm làm nghề trồng cây cảnh, nhẩm tính tôi đã từng đi làm thuê cả thảy tới…16 nghề. Vậy nhưng cuộc sống cũng chẳng khấm khá hơn. Gia đình nằm trong top nghèo của xã đến cả chục năm"...
Năm 2010, một cơ duyên đã đưa anh Tưởng đến với cây cảnh. Khi đó, anh Tưởng mua một cây lộc vừng với giá 120 nghìn đồng về chơi để tạo hứng khởi cho tinh thần khi cuộc sống còn bộn bề khó khăn. Vốn có niềm đam mê cây cảnh từ lâu, nên ngoài thời gian làm đồng, anh Tưởng dành tâm huyết để chăm sóc cây cảnh. Anh tạo dáng, chăm sóc cây theo con mắt nghệ thuật của riêng mình. Sau hai năm, cây ra hoa đẹp và trổ dáng được nhiều khách hàng yêu thích. Cây lộc vừng được trả giá lên đến hàng triệu đồng, lãi cả chục lần so với đầu tư ban đầu.
Nhận thấy sự hấp dẫn của nghề chơi cây cảnh, anh Tường quyết định đầu tư sâu vào đây. "Hiếm có nghề nào độc đáo như nghề chơi cây cảnh. Đó vừa là thú chơi giúp mình có thêm bè bạn cùng sở thích và đặc biệt vẫn có thể phát triển kinh tế từ cái thú chơi này"- anh Tường chia sẻ. Suy nghĩ là vậy, nhưng khi thực sự bước chân vào nghề này thì anh Tưởng mới thấy hết những khó khăn trong nghề do anh còn thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức về thực vật, thị trường, vốn… "Nếu chỉ có niềm đam mê không thôi vẫn chưa đủ, cần phải mở mang nhiều kiến thức về thị trường, về các loại cây… vì vậy, tôi dành thời gian để đi tham quan làng cây cảnh ở Nam Định, qua đó học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ năng của những nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm"- anh Tưởng nhớ lại.
Sau khi "dắt lưng" được chút ít kinh nghiệm, anh Tưởng dành hết vốn liếng trong gia đình để mua cây nguyên liệu về tạo dáng. Cây cảnh của anh có những dáng, hình thù khác nhau. Để có được những tác phẩm của riêng mình, anh không ngừng tham khảo thêm từ sách báo. Dưới bàn tay nghệ thuật, giàu kinh nghiệm, những cây tưởng chừng như đơn giản, vô tri, vô giác đã biến thành những tác phẩm nghệ thuật giàu sức sống. Hiện tại, khu vườn nhà anh có gần 100 loại cây cảnh các loại. Thị trường cây cảnh lúc lên lúc xuống, thời kỳ thịnh vượng, mỗi năm nguồn thu từ vườn cây cảnh cũng mang lại cho gia đình cả tỷ đồng. Nhưng những năm gần đây, thị trường lắng xuống, nhiều người chán nản mà bỏ nghề. Nhưng anh Tưởng lại năng động chuyển sang trồng và bán các loại cây cảnh để bàn với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", nên nguồn thu vẫn đảm bảo hàng trăm triệu đồng/năm. Anh Tưởng được công nhận là nghệ nhân sinh vật cảnh từ năm 2012.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, mô hình trồng và chăm sóc cây cảnh của anh Tưởng được nhiều người trong và ngoài tỉnh tìm đến học rồi làm theo và đều nhận được sự giúp đỡ tận tình. Anh không ngần ngại chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc cây cảnh cho những người có chung niềm đam mê. Anh Tưởng chia sẻ, công việc này đòi hỏi phải có con mắt nghệ thuật, biết cảm nhận cái đẹp, cái thần thái của cây. Thế mới biết rằng, nghề chơi cũng lắm công phu và cái nghề tưởng chừng như "chơi chơi" vậy thôi nhưng cũng mang thu nhập thật đáng kể.
Nguyễn Hùng