Năm 1965, giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước ở vào thời kỳ cam go, khốc liệt, thanh niên Đinh Văn Minh còn chưa học xong lớp 9 đã xung phong vào chiến trường, gia nhập quân đội trong đội hình công binh. Tại đây, ông được biên chế vào Trung đoàn 32, Quân khu IV. Ông và các đồng đội đã tham gia chiến đấu tại mặt trận B5, đường 9 Nam Lào và các trận đánh bảo vệ thành cổ Quảng Trị.
Năm 1972, ông được đơn vị cử đi học sỹ quan lục quân. Trong những năm tháng học ở Trường sĩ quan lục quân, Đinh Văn Minh đạt kết quả học tập xuất sắc và được cử làm giảng viên của Trường Quân chính (Quân khu III). Đến năm 1980, do sức khỏe giảm sút, ông xin nghỉ mất sức với quân hàm thiếu úy.
Với những thành tích trong chiến đấu, ông vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng nhất, nhì,ba cùng nhiều bằng khen của đơn vị trao tặng. Đặc biệt, năm 1967, chiến sỹ Đinh Văn Minh đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi mới tròn 20 tuổi.
Trở về địa phương, ông Minh tích cực tham gia các hoạt xã hội. Tuy nhiên, cuộc sống gian khó của những người nông dân xã Liên Sơn (Gia Viễn) và của gia đình ông lúc bấy giờ gặp nhiều khó khăn. Do trước đây, có một khoảng thời gian trong quân đội, ông đã cùng với các chiến sỹ từng tham gia làm các công trình xây dựng nên ông Minh ít nhiều cũng tự đúc kết cho mình chút kinh nghiệm trong nghề xây dựng. Năm 1983, ông Minh quyết định đưa gia đình xuống thị xã Ninh Bình để thành lập Xí nghiệp Đoàn Kết (trụ sở đặt tại phường Vân Giang).
Xí nghiệp Đoàn Kết là nơi tập hợp những người có cùng chí hướng và thích nghề xây dựng. Lúc đầu chỉ là các công trình dân sinh nhỏ lẻ, dần dần nhiều bạn hàng, đối tác đến hợp tác với xí nghiệp ngày càng đông. Khi nguồn vốn đã ổn định và nhận thấy đây là hướng đi đúng đắn, ông đã đăng ký thành lập doanh nghiệp với cái tên Công ty xây dựng Bảo Sơn.
Dấu ấn của Công ty Bảo Sơn được ghi đậm ở những công trình như: công trình lấn biển đê Bình Minh 2, Bình Minh 3 với những chiếc cống lấy nước, cây cầu lớn như CT4, CT6, CT7, C6, 7, 8….; gần đây là các công trình ở ngoại tỉnh như: Trạm bơm lớn nhất nước đặt tại huyện Kinh Thanh (Hà Nam) với công suất 32.000 m3/h; đường tuần tra biên giới ở An Giang; đường giao thông ở Bắc Giang, Bắc Ninh… Nhiều công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, tính thẩm mỹ, được chủ đầu tư đánh giá cao.
Giám đốc Đinh Văn Minh cho biết, từ năm 2012 trở lại đây, những khó khăn rất lớn của thị trường bất động sản đã khiến không ít các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này thông báo phá sản và Công ty xây dựng Bảo Sơn cũng bị ảnh hưởng bởi khó khăn chung của nền kinh tế. Song do chủ động dự đoán trước, cùng những phân tích, đánh giá thị trường một cách nhạy bén nên Công ty đã không bị khó khăn ấy tác động, chi phối nhiều. Đồng thời, bằng uy tín nhiều năm trong thi công xây dựng như hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư đúng tiến độ, đúng chất lượng, không có tình trạng nợ lương công nhân, bớt xén công trình…, vì vậy mà nhiều đối tác đã tin tưởng và tìm đến Bảo Sơn như một người bạn đồng hành tin cậy.
Ông Đinh Văn Minh cho biết thêm "chất lính" đã "ngấm" vào máu và nó dường như trở thành một "nguyên tắc" trong kinh doanh của tôi, đó là: tính trung thực, tính khoa học và tính nhân văn. Theo ông, bên cạnh việc coi trọng đa dạng về sản phẩm, đẳng cấp về công nghệ, hiện đại về thiết bị, năng động về quản lý thì kinh doanh cũng phải xuất phát từ cái tâm và giữ chữ tín với khách hàng mới phát triển bền vững trong cơ chế thị trường.
Tính nhân văn của giám đốc Đinh Văn Minh chính là lợi nhuận rất quan trọng nhưng không phải là tất cả mà con người mới là tất cả. Vì vậy, ông rất quan tâm tới đời sống của công nhân, đảm bảo các chế độ, chính sách cho người lao động. Ngoài ra, giám đốc Đinh Văn Minh được biết đến là nhà doanh nhân với những hoạt động nhân đạo từ thiện. Hàng năm, ông đều tích cực ủng hộ các loại Quỹ ngày vì người nghèo, Quỹ nạn nhân chất độc da cam, Quỹ nghĩa tình đồng đội, Quỹ khuyến học… Chính từ sự cảm thông, chia sẻ lợi nhuận cùng cộng đồng ấy đã hình thành lên nét rất riêng, mang đậm chất lính trong văn hóa kinh doanh của Công ty Bảo Sơn hôm nay.
Bài, ảnh: Mai Lan