Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng nhà trường Phạm Xuân Hùng và Phó Chủ tịch HĐQT Trần Thị Oanh vốn là 2 người lính. Anh Hùng là bệnh binh 2/4, chị Oanh là y tá trong quân đội. Họ là cặp vợ chồng, đều sinh ra và lớn lên ở thôn 2, xã Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh), đến với nhau bằng tình yêu người lính rồi nên vợ nên chồng.
Năm 1973, học xong chương trình cấp III, Phạm Xuân Hùng tình nguyện lên đường ngập ngũ tham gia chiến đấu tại Mặt trận Nam Lào. Năm (1976-1980, theo học tại Trường Sỹ quan Pháo Binh. Sau khi học xong, được nhà trường giữ lại làm giáo viên nhưng rồi do sức khỏe yếu, anh được đơn vị cho về nghỉ mất sức. Ngày trở về, điều kiện kinh tế của gia đình hết sức khó khăn, vợ thì vừa chuyển ngành từ Bệnh viện 105 - Tổng cục Hậu cần về Bệnh viện Kim Sơn, con nhỏ, lại làm việc xa nhà, bản thân anh lại luôn bị bệnh tật hành hạ... Nhưng vốn là người lính giàu bản lĩnh, anh xin vào làm việc tại HTX sản xuất gạch Khánh Phúc (Khánh Nhạc).
Vào những năm giữa thập niên 1990, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, chị Oanh đã xin nghỉ chế độ một lần về nhà cùng chồng mở một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng. Do nhanh nhạy, giữ được chữ tín với khách hàng nên cửa hàng của anh chị làm ăn phát đạt, thu nhập ngày một khá hơn. Anh Hùng còn tham gia dạy hợp đồng cho Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Yên Khánh, đồng thời theo học chương trình đại học từ xa, khoa Toán Trường Đại học sự phạm Huế (khóa 1998-2002) và đã tốt nghiệp loại khá. Được biết, anh đang theo học tại chức chương trình cao học khoa Quản lý giáo dục do Trường Đại học sư phạm Hà Nội và Đại học Hoa Lư phối hợp tổ chức.
Nhận thấy nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn đặt ra ngày một lớn hơn, sau khi cân nhắc kỹ mọi điều kiện, anh đã bàn với vợ và một số anh em trong gia đình đứng ra thành lập Doanh nghiệp xây dựng tư nhân Xuân Đức. Đó là thời điểm năm 2001, Doanh nghiệp vừa nhận thầu các công trình giao thông thủy lợi, vừa kinh doanh vật liệu xây dựng. Doanh nghiệp đã giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 20 đến 25 lao động, lúc khối lượng công việc nhiều lên tới 50 lao động.
Dù trong thời kỳ doanh nghiệp đang có bước làm ăn ngày một hiệu quả hơn, nhưng Phạm Xuân Hùng vẫn đau đáu một khát vọng gắn với sự học của con em địa phương. Đất Yên Khánh tuy nghèo nhưng người dân nơi đây luôn có truyền thống hiếu học. Tuy trên địa bàn huyện đã có tới 2 trường THPT, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên nhưng hàng năm vẫn không thu nạp hết số học sinh đã học xong chương trình THCS. Ngay tại quê hương anh, cứ mỗi dịp vào đầu năm học mới đã có không ít bậc phụ huynh biết anh từng dạy học ở Trung tâm giáo dục thường xuyên đến nhờ xin cho con vào học.
Thực trạng học sinh thiếu chỗ học đã luôn làm anh day dứt. Anh đã đem ý tưởng đã nung nấu từ lâu bàn với vợ, với một số cán bộ quản lý giáo dục có uy tín ở huyện, ở tỉnh, dồn mọi nguồn lực hiện có để xây dựng một trường THPT dân lập trên địa bàn huyện. Năm 2006-2007, Trường THPT dân lập Yên Khánh đã đi vào hoạt động.
Hiện Trường đã đầu tư 3 tỷ 600 triệu đồng để xây dựng cơ sở vật chất trường học với 10 phòng học cao tầng, 6 phòng cấp 4 và nhà hiệu bộ 6 phòng. Năm học 2008-2009, Trường có 15 lớp, trong đó khối 10 có 5 lớp với 250 học sinh, khối 11 có 5 lớp với 185 học sinh và khối 12 có 5 lớp với 228 học sinh. Qua 2 năm học 2006-2007 và 2007-2008, dù mặt bằng học sinh khi tuyển vào thấp, ý thức mọi mặt còn kém, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng với quyết tâm cùng với những giải pháp của Ban giám hiệu, Hội đồng giáo dục và tập thể sư phạm, nhà trường đã dần đưa các em vào quỹ đạo, việc học tập, tu dưỡng ngày một tốt hơn. Kết quả, 95% số học sinh đã được chuyển lớp.
Để có được những thành tựu bước đầu trên, bên cạnh việc phấn đấu hoàn thiện cơ sở vật chất, Trường đã đặc biệt chú trọng đến chất lượng đội ngũ. Ngoài việc hợp đồng với các thầy, cô giáo có kinh nghiệm trong giảng dạy tại các Trường THPT Yên Khánh A, Yên Khánh B, Đại học Hoa Lư, Trường đã tiếp nhận hàng chục sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm từ trung bình khá trở lên về giảng dạy.
Dù là một trường mới thành lập nhưng các quy chế chuyên môn luôn được thực thi nghiêm ngặt cùng với phương châm "lấy học sinh làm trung tâm" và đề cao "tình thương và trách nhiệm" của người thầy, thực hiện nghiêm cuộc vận động "Hai không" của ngành Giáo dục, Trường THPT dân lập Yên Khánh đang từng bước trở thành một địa chỉ giáo dục được tin cậy.
Lê Liêu