Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2015. Trên cơ sở kế thừa những quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 2010 và Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 2003, đồng thời bổ sung những quy định mới cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tình hình mới, ngày 25-6-2015 tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015. Luật gồm 10 chương với 98 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2015. Tìm hiểu thông tin về văn bản Luật quan trọng này để phục vụ cho việc theo dõi về cuộc bầu cử, ông Trần Văn Kinh (cử tri xã Kim Chính- Kim Sơn) cho biết: Tìm hiểu về những điểm mới của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015, tôi đặc biệt chú ý đến quy định tại điểm 5, Điều 29 quy định cụ thể những người đang bị tạm giam, những người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục, cai nghiện bắt buộc. Như vậy, theo Luật này chỉ những người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang phải chấp hành hình phạt tù và người mất năng lực hành vi dân sự thì mới không được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Theo tôi, đây cũng là bước phát triển mới về nền dân chủ XHCN và quyền con người trong luật pháp nước ta hiện nay. Việc mở rộng quyền được tham gia bầu cử đối với các trường hợp kể trên còn góp phần đảm bảo quyền bầu cử của công dân, được thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực Nhà nước… Cũng chung quan điểm đồng tình với quy định mới về việc mở rộng quyền được tham gia bầu cử của những công dân "đặc biệt", anh Nguyễn Văn Dũng (phường Nam Bình- thành phố Ninh Bình) chia sẻ: Mở rộng quyền được tham gia bầu cử đối với những người đang bị tạm giam, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc còn giúp cho những người này nhận thức được ý nghĩa, vai trò của quyền công dân, có ý thức nỗ lực lao động, sản xuất, là công dân có ích cho xã hội… Để tìm hiểu về việc thực hiện điểm mới của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 về việc mở rộng quyền được bầu cử của người đang bị tạm giam, chúng tôi đã đến làm việc tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Trao đổi với đại tá Đinh Xuân Hưng, Giám thị Trại tạm giam được biết: Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, đơn vị đã cử đại diện lãnh đạo Ban giám thị và đội tham mưu phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã Mai Sơn nơi đơn vị đứng chân để triển khai các nội dung phục vụ cho cuộc bầu cử. Trong đó có việc nghiên cứu, hướng dẫn về các văn bản chỉ đạo, nội dung quy định của pháp luật về bầu cử. Đối với Trại tạm giam, toàn bộ cán bộ, chiến sỹ và can, phạm nhân đang bị tạm giam phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử đều là cử tri thuộc đơn vị bầu cử số 3 của xã Mai Sơn. Đối với cán bộ, chiến sỹ đơn vị, việc tham gia bỏ phiếu đơn giản như những cử tri bình thường. Tuy nhiên, đối với những người đang bị tạm giam, do đặc thù đang trong quá trình phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử nên không thể ra ngoài hay tập trung đông người. Do là lần đầu tiên triển khai quy định mới nên đây cũng là khó khăn trong công tác bầu cử của đơn vị.
Để việc thực hiện quy định mới về việc quyền được tham gia bầu cử của những người bị tạm giam theo đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, để đảm bảo quyền lợi của họ trong bầu cử, Trại tạm giam Công an tỉnh đã cho phô tô tài liệu, văn bản về bầu cử phát cho từng buồng tạm giam để họ tự nghiên cứu, tìm hiểu. Ban giám thị Trại tạm giam cũng giao cho các đồng chí cán bộ quản giáo thông qua việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hàng ngày tại các buồng giam sẽ hướng dẫn, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của những người bị tạm giam về quyền bầu cử và các vấn đề liên quan đến bầu cử. Đối với việc bỏ phiếu, đơn vị cũng thông báo với ủy ban Bầu cử địa phương để thống nhất phương thức, cách thực hiện việc bỏ phiếu đối với những người bị tạm giam. Do đặc thù cử tri là người đang bị tạm giam, không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng nên tổ bầu cử số 3 sẽ mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến từng buồng giam để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Trại Tạm giam Công an tỉnh tin tưởng rằng với sự chuẩn bị chu đáo và việc chấp hành nghiêm quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, 100% can, phạm nhân đang bị tạm giam được thực hiện đầy đủ quyền lợi về bầu cử, được tự tay bỏ phiếu bầu những người xứng đáng vào các cơ quan quyền lực của Nhà nước ở trung ương và địa phương. Qua đó góp phần vào thành công của cuộc bầu cử trên địa bàn tỉnh.
Phan Hiếu