Theo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh, hiện toàn tỉnh có 2.346 đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó có 1.703 người nghiện ngoài xã hội, 129 người đang cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh- giáo dục- lao động xã hội, 479 người nghiện đang quản lý tại các trại giam, trường giáo dưỡng… Đáng chú ý là người nghiện ma túy đang ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, có 8 đối tượng từ 16 tuổi đến 18 tuổi; từ đủ 18 tuổi đến dưới 30 tuổi là 813 đối tượng. Số người nghiện ma túy tập trung chủ yếu ở thành phố Ninh Bình, huyện Kim Sơn, huyện Gia Viễn… Ngoài hêroin là loại ma túy được người nghiện sử dụng phổ biến thì ma túy tổng hợp đang ngày càng có xu hướng gia tăng… Để nâng cao hiệu quả cai nghiện, tỉnh ta đang thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng mở rộng hoạt động điều trị tại cộng đồng. Theo đó, mỗi địa phương mở lớp được thành lập một tổ cai nghiện bao gồm những cán bộ y tế, cán bộ lao động xã hội và công an. Tổ cai nghiện sẽ được tập huấn tất cả các khâu từ tiếp nhận ban đầu đến tư vấn, điều trị cắt cơn theo phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế, hỗ trợ điều trị sau cai. Sau khi được tập huấn kỹ, lớp cai nghiện sẽ chính thức đi vào hoạt động. Người nghiện khi đến với các cơ sở này không chỉ được tư vấn, hỗ trợ điều trị cắt cơn mà còn được trang bị những kỹ năng dự phòng tái nghiện thông qua việc tham gia sinh hoạt trong các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực. Đồng thời đây cũng là cầu nối giúp người nghiện tiếp cận các dịch vụ sau cai nghiện như học nghề, vay vốn và tiếp cận các doanh nghiệp, giúp người nghiện có được việc làm ổn định và phòng, chống tái nghiện hiệu quả.
Đến tham quan một lớp cai nghiện tại cộng đồng được đặt tại xã Đồng Phong (huyện Nho Quan), mặc dù mới đi vào hoạt động từ năm 2015, song nơi đây cũng đã trở thành điểm đến tin cậy của hàng chục đối tượng nghiện trên địa bàn xã. Đồng chí Vũ Trường Sinh, Trạm trưởng Trạm y tế xã Đồng Phong cho biết, bên cạnh việc điều trị cắt cơn, nhiệm vụ quan trọng nữa của chúng tôi là tư vấn cho đối tượng hiểu về tác hại của ma túy, các biện pháp cai nghiện, kỹ năng phòng tái nghiện, định hướng nghề nghiệp… Sau một thời gian tham gia lớp cai nghiện, các học viên điều trị tốt, sức khỏe ổn định, không còn thèm nhớ ma túy nữa.
Theo ông Đào Mạnh Hùng, Giám đốc Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh, đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020 của Chính phủ xác định: Nghiện ma túy là bệnh tâm thần mãn tính của não bộ đòi hỏi phải điều trị kiên trì, lâu dài và dựa vào cộng đồng. Để người nghiện hoàn toàn dứt bỏ được ma túy, ngoài nỗ lực điều trị, quyết tâm của người bệnh và bác sỹ thì sự đồng hành, sẻ chia của gia đình và cộng đồng là vô cùng quan trọng. Bởi vậy, theo tinh thần của Đề án sẽ giảm lượng đối tượng cai bắt buộc và tăng dần hình thức cai tự nguyện tại cộng đồng và gia đình. Tuy đây là điều trị tự nguyện tại cộng đồng (trong một môi trường mở) nhưng việc điều trị vẫn tuân thủ theo quy trình điều trị tiêu chuẩn. Trong quy trình điều trị này phải điều trị toàn diện tất cả các mặt về sức khỏe, tâm lý, tình cảm, quan hệ gia đình, vấn đề việc làm… như vậy, người nghiện sẽ dễ dàng hòa nhập với cộng đồng. Công tác cai nghiện và chống tái nghiện sẽ hiệu quả hơn.
Đến nay, sau gần 2 năm triển khai Đề án đổi mới công tác cai nghiện, tỉnh ta đã hoàn thành được 13 lớp cai nghiện tại cộng đồng và 60 đối tượng cai nghiện tại gia đình. Ngoài ra, tại Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục- Lao động xã hội tỉnh cũng đã xây dựng và hoàn thiện đề án chuyển đổi thành trung tâm đa chức năng với việc mở thêm 3 phòng nữa, đó là phòng cai tự nguyện, phòng quản lý đối tượng xã hội và phòng điều trị nghiện thay thế bằng Methadone. Đối với phòng cai nghiện tự nguyện, đã có hơn 20 đối tượng đăng ký tham gia.
Theo kế hoạch, trong năm 2016 tỉnh sẽ tiếp tục mở thêm 6 lớp cai nghiện tại cộng đồng. Người nghiện tham gia điều trị nghiện tại các lớp cai nghiện tại cộng đồng được miễn phí hoàn toàn về tư vấn, thuốc điều trị cắt cơn và các dịch vụ cung cấp hoàn toàn miễn phí, ngoài ra còn được hỗ trợ tiền ăn. Việc nhân rộng các mô hình cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng sẽ góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dự phòng và điều trị nghiện. Từ đó, giảm tác hại của tệ nạn ma túy đối với cộng đồng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.
Cùng với đó, công tác điều trị nghiện thay thế bằng Methadone cũng được tỉnh ta triển khai thực hiện tích cực. Trong 2 năm qua, ngoài Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, tỉnh cũng thành lập thêm 5 điểm điều trị nghiện thay thế Methadone tại 5 huyện, thành phố có tỷ lệ nghiện ma túy cao như Nho Quan, Gia Viễn, Kim Sơn, Hoa Lư và thành phố Tam Điệp. Nhằm thu hút bệnh nhân tham gia điều trị, cán bộ y tế ở các đơn vị tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, in, cấp phát tờ rơi, sách mỏng, treo băng zôn, khẩu hiệu; tư vấn, tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho người nghiện ma túy và người nhà của các đối tượng. Nội dung tuyên truyền về lợi ích khi tham gia điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone thường xuyên được phát trên hệ thống loa truyền thanh các xã, phường, thị trấn với tần suất cao.
Với nhiều biện pháp tích cực và bằng lợi ích thiết thực mà phương pháp cai nghiện này mang lại, tỷ lệ bệnh nhân tham gia điều trị tại các địa phương tăng lên rõ rệt. Nếu như trước khi thành lập thêm các điểm điều trị bằng Methadone toàn tỉnh chỉ có hơn 300 đối tượng tham gia, đến nay, đã có gần 800 người nghiện điều trị bằng Methadone. Với kết quả đã đạt được, tỉnh ta phấn đấu đến hết năm 2016, con số này sẽ là trên 1.000 đối tượng, đạt chỉ tiêu Chính phủ giao.
Nguyễn Hùng