Nguồn động viên cho giáo viên
Trong Nghị quyết 154 bổ sung nội dung hỗ trợ như sau: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng.Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hàng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/4/2020 và không quá 3 tháng.
Trở thành đối tượng hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ, đó là niềm động viên rất lớn đối với những giáo viên tư thục như cô giáo Nguyễn Thị ánh Hoa. Cô ánh Hoa là giáo viên nhóm lớp tư thục Đồ Rê Mí xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư). Thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhóm lớp tư thục Đồ Rê Mí đóng cửa để thực hiện các biện pháp phòng dịch, tất cả giáo viên của nhóm lớp phải nghỉ làm. Mấy tháng nghỉ việc để phòng dịch là chừng ấy thời gian cô Hoa và đồng nghiệp không có lương. "Đó là giai đoạn khó khăn nhất. Chồng tôi là công nhân, thu nhập cũng bấp bênh do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Để duy trì cuộc sống, tôi làm bánh để bán, nhiều đồng nghiệp đi dọn dẹp thuê, bán hàng… Cũng là lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng ở Nghị quyết 42, chúng tôi không thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ. Thực tế này khiến chúng tôi cũng chạnh lòng"- cô ánh Hoa chia sẻ.
Bà Lê Thu Hà, Chủ nhiệm Nhóm mầm non tư thục Đồ Rê Mí cho biết: Để chia sẻ khó khăn với các cô giáo, chúng tôi hỗ trợ bằng những mặt hàng thiết yếu như gạo, bột giặt, mắm… Tuy nhiên, những mặt hàng này chỉ là sự sẻ chia, có ý nghĩa lớn về tinh thần, còn cuộc sống của các cô giáo vẫn rất khó khăn. Mất hẳn nguồn thu nhập hàng tháng, các cô vẫn phải xoay sở số tiền để đóng BHXH, BHTN theo đúng quy định… Hiện nay, khi biết giáo viên tư thục được đưa vào diện nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ, chúng tôi rất phấn khởi. Số tiền hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng là số tiền đáng kể đối với những giáo viên mầm non tư thục như chúng tôi. Không chỉ giúp chúng tôi trang trải cuộc sống, sự quan tâm thiết thực của Chính phủ còn là nguồn động viên lớn để chúng tôi tiếp tục cố gắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
"Gỡ khó" cho nhiều doanh nghiệp
Theo số liệu từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong tổng số 231 doanh nghiệp thực hiện báo cáo tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 thì có trên 50% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó tập trung nhiều ở các doanh nghiệp dệt may. Do khó khăn nên nhiều doanh nghiệp trong số đó phải tạm ngừng hoặc ngừng sản xuất, còn lại là các doanh nghiệp phải thay đổi sản xuất, kinh doanh hoặc phải thu hẹp sản xuất. Hệ quả tất yếu, đã có trên 19 nghìn lao động bị ảnh hưởng, trong đó có trên 4 nghìn lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, trên 4 nghìn lao động phải ngừng việc; gần 11 nghìn lao động làm cầm chừng, không đủ công…
Khó khăn là vậy, nhưng khi Chính phủ triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng, trong đó dành 16 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn để trả lương cho người lao động, vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19 thì toàn tỉnh chưa có một doanh nghiệp nào tiếp cận được với nguồn vốn hỗ trợ này. Nguyên nhân là bởi còn những quy định rất khắt khe, thủ tục phức tạp trong Nghị quyết số 42.
Nhằm "gỡ khó" cho doanh nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó do đại dịch COVID-19.
Theo đó, về nội dung hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động, theo Nghị quyết 154/NQ-CP đã bỏ điều kiện "đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3, Điều 98 Bộ luật Lao động". Cụ thể, Nghị quyết 154/CP-CP quy định: Người sử dụng lao động có doanh thu quý I năm 2020 giảm từ 20% trở lên so với quý VI năm 2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm đề nghị xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại khoản 3, điều 98 Bộ Luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2020 theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất vay 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Người sử dụng lao động trực tiếp lập hồ sơ vay, tự kê khai, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực về số lao động ngừng việc, số liệu xác định doanh thu đáp ứng điều kiện vay vốn, gửi Ngân hàng Chính sách xã hội để hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định. Ngoài ra, Nghị quyết 154 cũng sửa đổi nội dung hỗ trợ tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất.
Đón nhận tin vui này, ông Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc Công ty may Vương Anh (huyện Nho Quan) rất phấn khởi. Ông Hậu cho biết, doanh nghiệp hiện đang sử dụng trên 100 lao động. Các sản phẩm may mặc chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Hàn Quốc- những quốc gia cũng bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19. Bởi vậy, ở thời điểm diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, người lao động bị giảm việc, giảm lương. "Tôi đã tìm hiểu về gói hỗ trợ vay vốn 16 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ dành cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tuy nhiên, những quy định để được vay rất khắt khe, Công ty không đủ điều kiện theo quy định nên đã không tiếp cận được vốn vay này. Hiện nay, được biết Chính phủ đã ban hành Nghị định 154 để sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 42. Những quy định trong Nghị định mới này đã "gỡ khó" cho doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi. Hy vọng sẽ sớm được tiếp cận nguồn vốn vay này để giải quyết vấn đề khó khăn hiện tại cho Công ty"- ông Nguyễn Văn Hậu nói.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Việc sửa đổi Nghị quyết 42 theo hướng phù hợp hơn với điều kiện thực tế hiện nay là cần thiết, giúp người sử dụng lao động sớm được tiếp cận với gói hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn lâu nay, nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Thực hiện công văn của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã có hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện. Trong đó, có nêu rõ các quy định về điều kiện hỗ trợ, hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Hướng dẫn người sử dụng lao động các thủ tục để được vay vốn đề trả lương ngừng việc đối với người lao động và tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Đồng thời, đề nghị UBND các huyện, thành phố tuyên truyền rộng rãi về những sửa đổi, bổ sung của Nghị quyết 154. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn rà soát, thẩm định, lập danh sách đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định đảm bảo công khai, minh bạch, nhanh chóng, đúng đối tượng.
Đào Hằng