Năm 2020, mục tiêu của ngành Ngân hàng là tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 16-18%, tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ cho vay dưới 2%; đáp ứng đầy đủ, kịp thời tiền mặt và các nhu cầu thanh toán khác cho khách hàng và nền kinh tế. Mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ, tiện ích ngân hàng cho khách hàng. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các tổ chức tín dụng trên địa bàn hướng nguồn vốn vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân. Dư nợ tín dụng vẫn đảm bảo đà tăng trưởng. Tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 82.562 tỷ đồng, tăng 2,7% so với đầu năm.
Hệ thống Quỹ TDND trên địa bàn có 32.927 thành viên tham gia, chủ yếu là những hộ sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và những hộ kinh doanh, dịch vụ buôn bán nhỏ. Tổng nguồn vốn hoạt động của các Quỹ TDND đạt 3.732 tỷ đồng, giảm 6,51% so với đầu năm. Trong đó: Vốn chủ sở hữu đạt 252 tỷ đồng, tăng 1,88% so với đầu năm; nguồn vốn huy động tại địa bàn đạt 3.165 tỷ đồng, tăng 12,02% so với đầu năm; vốn vay Ngân hàng Hợp tác xã tỉnh là 218 tỷ đồng; vốn khác (các quỹ, các khoản phải trả, chênh lệch thu-chi,…) là 98 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đạt 3.037 tỷ đồng, giảm 0,76% so với đầu năm.
Thực hiện Chỉ thị 20/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 900 đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thực hiện chi trả lương qua tài khoản với gần 40.000 tài khoản. Để thực hiện việc chi trả lương qua tài khoản được thuận lợi, các ngân hàng cũng đã đầu tư 115 máy ATM; tổng số điểm chấp thuận thẻ là 400 điểm, máy POS là 460 máy... Số máy giao dịch tự động tập trung ở một số ngân hàng thương mại như: Ngân hàng Công thương Ninh Bình, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... Dịch vụ của các ngân hàng đảm bảo an toàn và duy trì hoạt động của các máy ATM.
Ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho biết: Để đa dạng hóa các nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế đồng thời thực hiện việc cơ cấu lại các ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã đề ra mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm nguồn vốn huy động tại địa bàn đạt 16-18%; tốc độ tăng trưởng bình quân dự nợ tín dụng đạt 16-18%; tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ cho vay dưới 2%; số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20-25% hàng năm. Đến cuối năm 2025, có ít nhất 67% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; số lượng giao dịch và giá trị giao dịch qua tài khoản cá nhân tại các ngân hàng thương mại đạt trên 22 triệu giao dịch với 142 nghìn tỷ đồng; có ít nhất 13 chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại trên 100.000 người trưởng thành; 22 máy ATM với số lượng giao dịch qua ATM là 16 triệu giao dịch, giá trị giao dịch qua ATM là 34 nghìn tỷ đồng và 3.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng.
Hiện thực hóa mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức thương mại trên địa bàn đa dạng hóa hoạt động ngân hàng, thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động vốn, ứng dụng các dịch vụ, tiện ích ngân hàng tiên tiến, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt… nhằm huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi tại địa bàn. Thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng định hướng và các biện pháp kiểm soát tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đáp ứng nhu cầu vốn hợp lý cho phát triển kinh tế, ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nợ tồn đọng, nâng cao chất lượng tín dụng, lành mạnh hóa tài chính các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Cùng với đó, ngành Ngân hàng sẽ phát triển hạ tầng thanh toán điện tử và dịch vụ thanh toán bán lẻ; kết hợp với sắp xếp hợp lý, hiệu quả mạng lưới máy giao dịch tự động (ATM), thiết bị chấp nhận thẻ (POS) trên địa bàn tỉnh đến khu vực nông thôn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với dịch vụ thẻ ngân hàng. Mở rộng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, siêu thị, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng…; phát triển các loại thẻ đa dụng, đa năng, thẻ không tiếp xúc để thu phí cầu đường, mua xăng dầu, mua vé xe búyt, taxi…
Hệ thống các tổ chức tín dụng hoàn thiện và tăng cường kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của hệ thống ngân hàng với hạ tầng thanh toán của các đơn vị để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thanh toán điện tử trong thương mại điện tử. Đẩy mạnh phát triển, ứng dụng các phương tiện và mô hình thanh toán, chuyển tiền hiện đại, dễ sử dụng thanh toán qua di động, thiết bị kỹ thuật số và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng đang tích cực vào cuộc để đẩy mạnh thanh toán điện tử các dịch vụ hành chính công, nhất là đẩy mạnh trao đổi thông tin dữ liệu, kết nối giữa Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan Hà Nam Ninh với hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn nhằm đáp ứng yêu cầu phối hợp thu ngân sách Nhà nước bằng phương thức điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền, doanh nghiệp và người dân thực hiện đa dạng, linh hoạt các dịch vụ thanh toán điện tử.
Nguyễn Thơm