Là xã có tỷ lệ người bị nhiễm HIV/AIDS cao của tỉnh, hiện nay, xã Trường Yên (huyện Hoa Lư) có 241 người bị nhiễm HIV/AIDS còn sống. Phần lớn, những người mắc HIV vẫn đang trong độ tuổi lao động, có không ít gia đình có cả vợ chồng đều mắc HIV/AIDS.
Từ thực tiễn đó, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Trường Yên có nhiều hoạt động hiệu quả nhằm từng bước loại bỏ HIV/AIDS. Theo đó, để công tác phòng, chống HIV/AIDS có hiệu quả, địa phương đã huy động sự tham gia của mọi lực lượng xã hội, trong đó đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, qua đó chuyển đổi hành vi cho những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Nội dung tuyên truyền được thay đổi thường xuyên, phong phú, linh hoạt chuyển tải được các thông điệp ý nghĩa về phòng, chống HIV/AIDS. Mỗi tổ chức đoàn thể lại có cách làm riêng để vận động hội viên tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS. Xã còn phối hợp với các cán bộ của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về tận các khu dân cư nhằm trang bị cho nhân dân những kiến thức về HIV/AIDS, các đường lây, cách phòng tránh… nên người dân đã có cái nhìn đúng về HIV/AIDS và chủ động phòng bệnh có hiệu quả. Đặc biệt, chuyển biến rõ nét nhất trong nhận thức của nhân dân đó chính là đã không còn thái độ kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS. Hiện nay, học sinh là đối tượng liên quan đến HIV (có người thân bị nhiễm HIV hoặc bản thân bị nhiễm HIV) đều được đến trường, được hòa nhập cộng đồng, các gia đình có người nhiễm HIV đã có được sự cảm thông, chia sẻ của bà con lối xóm. Lực lượng đoàn viên, thanh niên trong xã còn cung cấp kim tiêm sạch vào những nơi là "điểm nóng" về tiêm, chích ma túy, từ đó nâng cao nhận thức cho đối tượng nghiện ma túy về cách sử dụng kim tiêm sạch, nhằm tránh lây HIV/AIDS qua con đường tiêm chích ma túy. Xã Trường Yên còn đưa nội dung thực hiện tốt công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống HIV vào việc bình xét chỉ tiêu thi đua ở các thôn, xóm, đơn vị. Nhờ vậy, phong trào xây dựng mô hình phòng, chống AIDS, phong trào phòng, chống tệ nạn xã hội được người dân ở các thôn, xóm đồng tình hưởng ứng. Hàng năm, xã Trường Yên còn tổ chức nhiều hoạt động như thăm hỏi, động viên, chia sẻ với người nhiễm HIV/AIDS, thể hiện sự quan tâm giúp đỡ các đối tượng thêm niềm tin vươn lên sớm hòa nhập cộng đồng, chung tay cùng với cộng đồng chống lại căn bệnh thế kỷ…
Cũng như xã Trường Yên, những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống HIV/AIDS. Theo đó, công tác tuyên truyền phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS được triển khai rộng khắp với nhiều nội dung và hình thức phong phú, góp phần làm giảm sự kỳ thị, xa lánh và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS so với những năm trước. Đặc biệt, nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân nhiễm HIV, tỉnh ta đã đặc biệt chú trọng đến công tác điều trị bằng ARV. Hiện tại, toàn tỉnh có 9 phòng khám ngoại trú đặt tại những nơi có chức năng chi trả BHYT, đó là bệnh viện đa khoa các huyện và Trung tâm y tế thành phố Ninh Bình. Những cơ sở khám ngoại trú này có đủ khả năng về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực… để khám và điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS. Từ cuối năm 2015, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã chuyển tất cả bệnh nhân về điều trị tại các cơ sở tuyến huyện. Ngoài ra, còn có 2 điểm cấp thuốc ở Trại giam Ninh Khánh và Trung tâm chữa bệnh và lao động xã hội và 17 điểm cấp thuốc về các xã, trong đó có 10 điểm ở Kim Sơn, 5 điểm ở Nho Quan và 2 điểm ở Hoa Lư.
Bên cạnh đó, công tác điều trị nghiện thay thế bằng Methadone cũng được tỉnh ta triển khai thực hiện, góp phần quan trọng làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Hiện nay, ngoài Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, tỉnh cũng thành lập thêm 5 điểm điều trị nghiện thay thế Methadone tại 5 địa phương có tỷ lệ nghiện ma túy cao như các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Kim Sơn, Hoa Lư và thành phố Tam Điệp. Nhằm thu hút bệnh nhân tham gia điều trị, cán bộ y tế ở các đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, in, cấp phát tờ rơi, sách mỏng, treo băng zôn, khẩu hiệu; tư vấn, tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho người nghiện ma túy và người nhà của các đối tượng. Nội dung tuyên truyền về lợi ích khi tham gia điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone thường xuyên được phát trên hệ thống loa truyền thanh các xã, phường, thị trấn với tần suất cao. Nếu như trước khi thành lập thêm các điểm điều trị bằng Methadone, toàn tỉnh chỉ có hơn 300 đối tượng tham gia, đến nay, đã có trên 1.000 đối tượng tham gia, đạt chỉ tiêu Chính phủ giao.
Năm nay là năm thứ ba ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là: Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc chiến dịch AIDS tại Việt Nam (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp nhất để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác). Thực hiện chủ đề này, Ban chỉ đạo tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Ninh Bình năm 2016 với nhiều hoạt động thiết thực, huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và toàn dân. Ngoài ra, các hoạt động lớn sẽ được tổ chức như: mít tinh hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS cấp tỉnh; các địa phương tổ chức mít tinh diễu hành quần chúng, tổ chức hoạt động truyền thông, vận động hưởng ứng Tháng hành động như: Các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV; lợi ích của tư vấn xét nghiệm sớm HIV và xét nghiệm định kỳ với nhóm có hành vi nguy cơ cao; điều trị bằng thuốc ARV…
Nguyễn Hùng