Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã và đang đang kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các dự án đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú, đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện các sản phẩm du lịch… Trước thềm Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Trịnh Xuân Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
P.V: Thưa đồng chí, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã có những chủ trương, định hướng chính sách phát triển như thế nào nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch trên địa bàn tỉnh. Những kết quả tỉnh đã đạt được trên lĩnh vực này?
Đồng chí Trịnh Xuân Hồng: Kể từ khi tái lập tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã rất quan tâm tới phát triển du lịch, đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành. Năm 1995 hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2010.
Năm 2001, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 18-12-2001 về Phát triển du lịch đến năm 2010, xác định: "Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phát triển du lịch phải quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước…; tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế, huy động các nguồn lực, phát triển toàn diện kinh tế du lịch, vừa đầu tư, vừa khai thác đa dạng hóa các loại hình du lịch. Phát triển du lịch phải chú trọng hiệu quả kinh tế - xã hội, đồng thời phải đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cảnh quan di tích, sinh thái môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của quê hương, đất nước, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa, văn hóa nhân loại…
Năm 2009, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ra Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13-7-2009 về Phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, xác định phát triển du lịch bền vững, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyền dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cùng phát triển. Phát triển du lịch phải coi trọng tính hiệu quả, tập trung đầu tư vào lĩnh vực lưu trú, vui chơi giải trí, làng nghề, mua sắm, ẩm thực… nhằm thu hút khách du lịch kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách.
Phát triển du lịch phải gắn với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gắn với an ninh, quốc phòng và giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa người dân địa phương với doanh nghiệp kinh doanh du lịch và Nhà nước. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động, nâng cao vai trò quản lý nhà nước về du lịch, gắn phát triển du lịch với giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo. Mục tiêu là huy động các nguồn lực tập trung khai thác hợp lý tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, xây dựng Ninh Bình trở thành một trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước. Xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng cho du lịch, đặc biệt chú trọng xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên, đầu tư xây dựng các khách sạn, khách sạn nghỉ dưỡng từ 3 - 5 sao…
Năm 2010, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XX xác định toàn Đảng bộ phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, đưa du lịch vào thời kỳ tăng tốc… Mục tiêu phấn đấu đến năm cuối nhiệm kỳ đón được 6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 1 triệu lượt; khách lưu trú đến năm cuối nhiệm kỳ đạt 1 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế là 350.000 lượt).
Với những chủ trương và chính sách phát triển nêu trên, kinh tế du lịch đang dần chiếm ưu thế trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Năm 2001 khách đến Ninh Bình mới đạt 510.000 lượt khách, đến năm 2011 Ninh Bình đã đón được 3,2 triệu lượt khách. Tốc độ tăng trưởng về khách du lịch đạt 20,3%/năm.
11 tháng đầu năm 2012 đã có gần 3,6 triệu lượt khách du lịch đến Ninh Bình, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2011; doanh thu đạt 737 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2011.
Trong xu hướng phát triển chung của du lịch cả nước, những năm qua, du lịch Ninh Bình có nhiều khởi sắc làm thay đổi căn bản diện mạo và cơ cấu kinh tế-xã hội của tỉnh. Hoạt động du lịch từ tự phát đến nay đã được quy hoạch đi liền với các chính sách phát triển, từng bước khai thác tốt hơn những điều kiện, tiềm năng và nguồn lực hiện có.
Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch từng bước được mở rộng quy mô và nâng dần về chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 235 cơ sở lưu trú du lịch với 3.700 phòng ngủ, trong đó có 32 khách sạn được xếp hạng từ 1 - 2 sao, 6 khách sạn tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao. Nhìn chung các dự án đầu tư phát triển thực hiện theo đúng định hướng quy hoạch. Nhiều dự án đã đi vào hoạt động phục vụ khách du lịch hiệu quả như: Quần thể danh thắng Tràng An, Chùa Bái Đính, Cúc Phương Resort & Spa, Emeralda Resort, sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng…
P.V: Xin đồng chí cho biết về những định hướng thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch của tỉnh thời gian tới?
Đồng chí Trịnh Xuân Hồng: Trong những năm qua và tiếp tục những năm tới, tỉnh Ninh Bình tăng cường huy động các nguồn lực, tập trung khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn, xây dựng Ninh Bình trở thành một trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước.
Tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch. Đặc biệt chú trọng đầu tư hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cao cấp từ 3 sao trở lên. Ưu tiên xây dựng các khách sạn, khách sạn nghỉ dưỡng từ 3 - 5 sao. Phấn đấu đến năm 2015, tổng số khách sạn, khách sạn nghỉ dưỡng từ 3 - 5 sao tăng thêm so với năm 2008 là 20 khách sạn, với 2.500 phòng. Tập trung đầu tư phát triển các làng du lịch, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà có phòng cho khách du lịch thuê để phát triển các loại hình du lịch homestay (du lịch trải nghiệm cuộc sống).
Tập trung hoàn chỉnh Khu du lịch sinh thái Tràng An, khu núi chùa Bái Đính, Cố đô Hoa Lư, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, sân golf hồ Yên Thắng, sân golf hồ Đồng Chương…
Tập trung đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động, phấn đấu đến năm 2015 lao động trực tiếp trong ngành du lịch là 8.000 - 10.000 người, lao động gián tiếp là 20.000 người, thu nhập du lịch toàn ngành đạt 1.500 tỷ đồng.
P.V: Có thể thấy, định hướng phát triển nêu trên đã mở ra cơ hội mới cho du lịch Ninh Bình cũng như các nhà đầu tư. Vậy các nhà đầu tư sẽ được ưu đãi những gì khi đầu tư vào lĩnh vực du lịch?
Đồng chí Trịnh Xuân Hồng: Căn cứ quy định về chính sách ưu đãi đầu tư và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (ban hành kèm theo Quyết định số 28/2012/QĐ-UBND ngày 23-11-2012 của UBND tỉnh), các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch được hưởng ưu đãi về đất đai, trong đó có chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Các dự án đầu tư thuộc danh mục kêu gọi đầu tư theo Quyết định của UBND tỉnh, trong các khu du lịch được ngân sách tỉnh ứng trước 50% chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án bồi thường; hỗ trợ và tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng không quá tổng số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự án mà nhà đầu tư phải nộp vào theo các mức sau: Tổng mức đầu tư dưới 50 tỷ đồng được ứng trước tối đa cho một dự án 3 tỷ đồng; tổng mức đầu tư từ 50 tỷ đồng đến dưới 150 tỷ đồng được ứng trước tối đa cho một dự án là 5 tỷ đồng; tổng mức đầu tư từ 150 tỷ đồng đến dưới 500 tỷ đồng được ứng trước tối đa cho một dự án là 7 tỷ đồng; tổng mức đầu tư từ 500 tỷ đồng trở lên được ứng trước tối đa cho một dự án là 10 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có ưu đãi về giá thuê đất, về hạ tầng kỹ thuật, ưu đãi về vốn tín dụng, ưu đãi về thủ tục hành chính, hỗ trợ về đào tạo thông tin quảng cáo, đổi mới khoa học công nghệ...
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thơm (thực hiện)