Chị Đinh Thị Huyền cho biết: Trước đây, gia đình tôi trồng những cây công nghiệp như sắn, mía, ngô..., nhưng hiệu quả kinh tế không cao vì chất đất ở Đá Hàn không được phì nhiêu, hơn nữa thị trường đầu ra cho sản phẩm thường không ổn định. Qua xem ti vi, sách báo, tôi được biết cây atiso đỏ và cây chùm ngây là những loại cây dễ trồng, không kén đất, có sức sống mạnh. Cây atiso được nhiều người biết đến với các tên khác như cây bụt giấm, cây hồng hoa... và có nhiều công dụng trong y học như khả năng hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường, hạn chế nguy cơ béo phì...
Ngoài ra, lá của cây atiso còn được dùng để ăn sống, nấu canh chua hoặc kho cá, quả dùng để chiết xuất trà thảo mộc, rượu vang, mứt, sirô… Và cũng qua đài, báo, tôi được biết có nhiều người trở thành triệu phú nhờ cây atiso. Còn đối với cây chùm ngây, đây là một loại giống rau mới, dễ trồng, dễ chăm sóc, cây trồng sau 1 đến 2 tháng là bắt đầu cho thu hoạch lá, sau vài năm thì có thể tỉa củ, đặc biệt, cây có thể cho thu hoạch trong nhiều năm. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về cây chùm ngây và cây atiso đỏ, cân đối với khả năng tài chính cũng như lao động của gia đình, tôi quyết định mua giống các loại cây này về trồng với diện tích 1,8 ha. Cây chùm ngây và cây atiso đỏ được tôi trồng xen kẽ, như vậy có thể tận dụng nhiều diện tích đất. Đến nay, hai loại cây này bước đầu cho thu nhập khá, gia đình tôi rất phấn khởi...
Câu chuyện về chuyển đổi cây trồng mới của chị Huyền thoạt đầu nghe có vẻ dễ dàng, nhưng để có được thành công, chị đã rất vất vả dày công nghiên cứu kỹ thuật, từ cách lựa chọn giống cho đến cách trồng, chăm sóc. Cây atiso đỏ được trồng trong khoảng thời gian từ tháng giêng đến tháng 5, thời gian thu hoạch từ tháng 9, tháng 10 hàng năm. Vì là cây trồng mới nên chị Huyền rất thận trọng trong việc chăm sóc để tự đúc rút kinh nghiệm thực hiện tốt hơn trong những vụ sau. Chúng tôi đến thăm mô hình đúng dịp gia đình chị đang thu hoạch sản phẩm hoa atiso đầu tiên. Chị cho biết thêm, sau gần 2 tháng thu hái, gia đình chị thu hoạch được 1 tấn atiso đỏ, cho thu nhập 7 triệu đồng. "Cây chùm ngây giờ đã cho kết quả tốt với mỗi một kg lá tươi có giá từ 25.000 đồng/kg, sau 6 tháng trồng, gia đình chị đã thu hoạch được hơn 40 kg lá chùm ngây tươi. Kết quả này so với trồng ngô, sắn, mía thì cao hơn nhiều" - chị Huyền vui vẻ nói.
Thành công ban đầu từ cây atiso đỏ và cây chùm ngây đã giúp chị Huyền củng cố và tăng niềm tin về sự lựa chọn đúng đắn của mình. Trong thời gian tới, chị mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành về vốn để có thể nhân rộng mô hình, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình. Cũng theo chị Huyền, kinh nghiệm cho thấy, muốn trồng các loại cây này có hiệu quả kinh tế cao, nhất định phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật từ khâu chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh.
Chị Phạm Thị Mão, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Gia Hòa cho biết: Từ mô hình của gia đình chị Huyền, cho thấy cây atiso và cây chùm ngây hoàn toàn có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng truyền thống trước kia. Đây được xem mô hình mới mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho bà con nông dân nói chung, hội viên phụ nữ trong xã nói riêng. Trong thời gian tới, Hội Phụ nữ xã tích cực tuyên truyền về mô hình để chị em mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, cái khó của mô hình này chính là đầu ra cho sản phẩm, do đây là những loại cây trồng mới nên thị trường tiêu thụ vẫn còn hạn hẹp. Vì vậy, chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ các cấp, các ngành trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm cho cây atiso đỏ và cây chùm ngây, để hội viên phụ nữ yên tâm mở rộng mô hình, nâng cao thu nhập cho gia đình, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bài, ảnh: Đức Nghĩa