Sau 5 năm, hoạt động, mô hình này đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện có hiệu quả phát triển KT-XH ở địa phương. Xóm 8, thôn Liên Huy là địa bàn đất chật người đông, tình trạng rả rác thải sinh hoạt ra bờ kênh, bờ ao, ngõ xóm thường xuyên xảy ra gây ô nhiễm môi trương làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đi lại của người dân. Bên cạnh đó, Gia Thinh còn có điểm tham quan, nghỉ dưỡng do vậy còn kéo theo nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội. Từ thực tế đó, hầu hết các hộ dân trong thôn đều có nguyện vọng thành lập tổ tự quản nhằm quản lý trật tự, làm đầu mối vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, từng bước xây dựng nông thôn mới.
Ngay khi ý tưởng được đưa ra, đã nhận được sự ủng hộ của cấp ủy chính quyền địa phương và 100% hộ gia đình nhiệt tình hưởng ứng. Ông Trần Minh Đức, tổ trưởng tổ tự quản cho biết: Tổ hoạt động dựa trên nguyên tắc nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái đề cao tính dân chủ, tự quản, tự giác, tự nguyện của các hộ dân. Trong đó đưa ra các nguyên tắc tự quản như: tự quản thực hiện chính sách dân số, KHHGĐ; tự quản giúp nhau xóa đói giảm nghèo; khuyến học, khuyến tài; giữ gìn vệ sinh môi trường, ANTT… Để điều hành tổ, chi bộ xóm đã tổ chức họp dân lấy phiếu tín nhiệm bầu ra ban ban đại diện gồm 8 người và tiến hành ký giao ước giữa các nhóm hộ tạo thuận lợi cho công tác tự quản và khơi dậy động lực thi đua.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, hàng tháng tổ đều tổ chức sinh hoạt định kỳ xem xét, đánh giá những việc đã làm và chưa làm được để đề ra biện pháp trong thời gian tiếp theo. Trước mỗi buổi sinh hoạt, lãnh đạo tổ còn đến từng gia đình để trao đổi, nắm tình hình tâm tư, nguyện vọng của từng hộ. Đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền của xã, tổ sẽ kiến nghị chính quyền xã giải quyết. Những nguyện vọng mà tổ có thể giải quyết được thì đưa ra cho mọi người dân chủ bàn bạc, trao đổi tìm biện pháp chung tay thực hiện. Cụ Trần Văn Nghiêm, một thành viên cao tuổi của tổ cho biết thêm: hoạt động của Tổ tự quản hướng đến mục tiêu tăng tình đoàn kết, nêu cao tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống. Trong đó đặc biệt chú trọng chăm lo thế hệ trẻ, động viên khuyến khích các em học giỏi; hướng các em vào những hoạt động lành mạnh, bổ ích, tránh xa tệ nạn xã hội. Các thành viên luôn gần gũi động viên, chia sẻ, trong những chuyện vui, buồn tổ đều giúp đứng ra lo liệu, đảm bảo văn minh, tiết kiệm.
Khi có vấn đề gợn lên, Ban đại diện tổ đến tận nhà, nắm bắt giải quyết những mâu thuận ngay trong gia đình, vì vậy trong những năm qua các thành viên trong tổ đều thực hiện tốt hương ước của thôn và nội quy của tổ, không có hiện tượng vợ chồng, con cái mâu thuẫn, mất đoàn kết.
5 năm qua, Tổ tự quản luôn duy trì tốt hoạt động thăm hỏi các gia đình khi có việc hiếu, ốm đau, động viên, tặng quà con cháu khi xây dựng gia đình, lên đường làm nghĩa vụ quân sự; tổ chức tổng vệ sinh thôn xóm vào chiều ngày 27 hàng tháng, tuần tra an ninh ban đêm. Qua đánh giá, bình xét, năm 2010, trên 90% hộ tổ viên đạt gia đình văn hóa; tổ không có hộ sinh con thứ 3; nhiều năm liền không có tệ nạn xã hội, mất an ninh trật tự….
Trước đây trong Tổ có tới 12 hộ nghèo, nhằm giúp nhau xóa đói, giảm nghèo Tổ đã vận các hộ kinh tế khá hơn giúp đỡ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Tận dụng thế mạnh của địa phương, các thành viên trong Tổ đã hỗ trợ nhau trong công tác dồn điền, đổi thửa tại những diện tích ruộng trũng phát triển mô hình lúa - cá kết hợp với chăn nuôi lợn, gà, trồng cây ăn quả. Nhờ đó, đến nay 7 hộ đã thoát nghèo vững chắc và từng bước vươn lên khá giả.
Với những hoạt động thiết thực, tổ tự quản xóm 8, trở thành một điểm sáng trong công tác tự quản ở các khu dân cư, xứng đáng là cánh tay nối dài của chính quyền địa phương. Mô hình tổ tự quản ở xóm 8 Liên Huy cũng đang được Ban Dân vận Tỉnh ủy khảo sát, đánh giá, rút kinh nghiệm hoàn thiện nhằm nhân rộng góp củng cố tình đoàn kết thôn, xóm xây dựng nông thôn mới.
Quốc Khang