Trò chuyện với chúng tôi, chị Diên chia sẻ: Sau nhiều năm bôn ba mưu sinh ở nhiều nơi, năm 2006, hai vợ chồng quyết định trở về gắn bó với đồng đất quê hương. Để tìm hướng phát triển kinh tế, vợ chồng chị dành nhiều thời gian tìm hiểu tiềm năng của vùng quê sinh sống; nghiên cứu những mô hình kinh tế mà người dân trong vùng đã triển khai thành công. Qua đó chị nhận thấy có thể thuê quỹ đất sẵn có trên địa bàn xã để xây dựng mô hình trang trại tổng hợp. Những năm đầu bắt tay vào xây dựng trang trại, chị lựa chọn vừa trồng lúa, vừa nuôi cá, kết hợp chăn nuôi lợn thịt. Cuối năm 2010, chị Diên quyết định thay đổi mô hình chuyển sang chăn nuôi thêm vịt, gà và thả cá bột. Ngay sau khi được chính quyền địa phương đồng ý cho thuê đất, gia đình chị đã bắt tay vào việc xây dựng cơ sở chuồng trại. Tổng diện tích trang trại gần 6 mẫu, được xây dựng theo quy mô khép kín, chất thải của gia súc, gia cầm được tận dụng để nuôi cá, vừa tránh gây ô nhiễm môi trường, vừa tăng hiệu quả kinh tế… Mô hình đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ban đầu để cải tạo hồ đầm và xây dựng chuồng trại khá lớn, tiềm lực không đủ, chị đã thế chấp tài sản vay 200 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT để hiện thực hóa kế hoạch làm trang trại chăn nuôi tổng hợp của mình. Ao chuồng hoàn thành, chị đầu tư mua giống vịt thịt, gà ta và cá giống về thả nuôi.
Hiện, trang trại đang nuôi trên 800 con vịt thịt. Ngoài ra gia đình còn nuôi trên 100 con gà ta thả vườn và 5 mẫu ao nuôi cá bột… Trước khi bắt tay vào làm trang trại theo hướng đầu tư mới, vợ chồng chị Diên chủ động tìm tòi học hỏi kỹ thuật chăn nuôi. Trong quá trình làm trang trại, anh chị còn học hỏi thêm từ những người đã có kinh nghiệm. Thông qua đó áp dụng phù hợp các kiến thức kỹ năng đã thu nhận được, do vậy việc chăn nuôi của gia đình diễn ra khá thuận lợi.
Vì nuôi thả với một số lượng lớn nên hằng ngày chị luôn phải theo dõi sát sao từ nguồn nước, nguồn thức ăn cho tới việc vệ sinh chuồng trại luôn được sạch sẽ, để hạn chế dịch bệnh xảy ra. Nguồn thức ăn dành cho vịt chủ yếu là cám viên; còn gà và cá chủ yếu chăn nuôi theo phương pháp bán công nghiệp, vừa cho ăn thức ăn công nghiệp, vừa cho ăn thêm rau, cỏ… Những nỗ lực cố gắng của anh đã gặt hái được những trái ngọt, doanh thu hằng năm của trang trại đạt trên 400 triệu đồng; trừ các khoản chi phí, gia đình chị thu về gần 200 đến 300triệu đồng/năm.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, chị cho biết, dù chỉ là một mô hình chăn nuôi trang trại nhưng muốn thành công thì cần phải có kiến thức, quyết tâm, dám nghĩ, dám làm. Không những vậy, muốn tồn tại và phát triển thì cần phải tư duy linh hoạt, sáng tạo, nghiên cứu nắm vững thị trường…, có như vậy mới đảm bảo đem lại giá trị thu nhập cao.
Do trang trại của chị có diện tích khá lớn, xung quanh là ruộng canh tác lúa của bà con trong xã, do đó chị còn luôn chú ý đến việc xả nước từ ao ra ruộng lúa để phục vụ cho bà con sản xuất. Chị Diên chia sẻ thêm: Công việc này không phải chính quyền xã nhắc nhở mà tôi luôn chủ động xả nước giúp đỡ bà con; đó cũng là một cách thay nước, làm sạch môi trường sống trong ao nuôi. Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình chị cũng đã được nhiều hộ dân trong huyện đến tham quan, học hỏi và áp dụng có hiệu quả.
Kim Yến