Tháng 3, thời tiết ẩm ướt, đó cũng là lúc nông dân tại các xã vùng cao huyện Nho Quan tranh thủ xuống giống nhiều loại cây trồng. Tuy vậy, khác với mọi năm, hiện nhiều nông dân nơi đây không mấy hào hứng với vụ sản xuất mới. Ông Đinh Văn Thắng, bản Mét, xã Kỳ Phú chia sẻ: Năm nay sản xuất khó khăn, giá mía giảm mạnh từ 950 nghìn đồng/tấn xuống còn có 750 nghìn đồng/tấn, trong khi đó chi phí vật tư, phân bón, công lao động ngày càng cao khiến nông dân chúng tôi không có lãi. Thậm chí nhà nào phải thuê lao động còn phải chịu lỗ. "Giá mía mỗi năm một thấp nên chúng tôi rất muốn chuyển đổi sang cây trồng khác.
Tuy nhiên, lựa chọn cây trồng gì để thay thế lại là cả một vấn đề: Nếu trồng ngô không cẩn thận gặp đợt nắng hạn đúng lúc cây trỗ cờ thì coi như mất trắng, còn trồng sắn thì cũng có mức độ vì hiện chưa có nhà máy nào ký hợp đồng bao tiêu cả. Tính đi tính lại tôi vẫn quyết định tiếp tục trồng mía, thôi thì lấy công làm lãi", ông Thắng nói.
Không giống như ông Thắng, sau khi bán hết 6 sào mía mà không thu được đồng lãi nào, bước vào vụ sản xuất này chị Màu Thị Bính, ở bản Xanh quyết định chuyển hẳn diện tích này sang trồng cỏ nuôi bò. Chị Bính dự tính sẽ vay vốn từ ngân hàng để mua thêm mấy cặp bò nữa về nuôi. "Nếu chăm tốt, một con bò mẹ trung bình 1-1,5 năm sẽ cho 1 con bê, tương đương với 5-10 triệu đồng, nuôi chừng 3 cặp bò như vậy coi như lãi khá", chị Bính tính toán.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước xu thế giá mía ngày một xuống thấp, trong khi giá vật tư, công lao động tăng cao, đã có không ít nông dân các xã vùng cao huyện Nho Quan bỏ cây mía để trồng các cây trồng khác, có hộ thì trồng sắn, trồng cỏ nuôi bò, các hộ vùng đồi dốc thì chuyển sang trồng cây keo lấy gỗ… Tuy nhiên, tình trạng chung của các hộ nông dân hiện nay là chuyển đổi cây trồng theo cảm tính, không được hướng dẫn về khoa học kỹ thuật, không có định hướng về thị trường cũng như được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, do vậy rủi ro là rất lớn.
Trao đổi về vấn đề định hướng lựa chọn cây trồng cho bà con nông dân trên địa bàn, ông Vũ Đình Lâm, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú khẳng định: Cây mía là cây trồng rất phù hợp với vùng đất đồi không có nước tưới như ở Kỳ Phú. Nhà máy Mía đường Việt Đài là đơn vị gắn bó, cung cấp giống, vốn và chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm mía cho bà con Kỳ Phú từ nhiều năm nay.
Nói cho công bằng thì người dân xã Kỳ Phú khấm khá lên cũng nhờ cây mía. Do vậy, không phải vì giá mía giảm một năm mà chúng tôi vận động bà con bỏ hết cây mía. Vẫn phải duy trì cây mía. Còn việc lựa chọn các cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao hơn để thay thế thì cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các nhà khoa học trong việc nghiên cứu để tìm ra giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác cũng như nhu cầu thị trường, chứ không thể một sớm một chiều mà làm được.
Cùng chung quan điểm, ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho rằng: Trong 400 ha đất nông nghiệp của xã, chỉ có 50 ha là có nước tưới, còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời, do vậy khó có thể thay thế cây mía bằng cây trồng gì khác. Đối mặt với giá mía thấp như hiện nay, cách tốt nhất là nâng cao năng suất, sản lượng cây mía lên. Muốn vậy, nông dân cần từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu, đưa các giống mới vào sản xuất, đồng thời ứng dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mía mà nhà máy đã tập huấn; từ bỏ tập quán trồng mía xuống rồi không chăm sóc; bỏ tình trạng trồng 1 mùa tơ, 2 mùa gốc mà hướng tới trồng 1 vụ tơ, 3-4 vụ gốc, đưa năng suất lên 100-110 tấn/ha thay vì 70 tấn/ha như hiện nay thì mới tăng được lợi nhuận.
Hà Phương