Một số chương trình, chủ trương chính sách đã và đang được thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh đó là: Phát triển vụ đông, sản xuất lúa cao sản và chất lượng cao; kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nông thôn…đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của các làng quê. Ở lĩnh vực sản xuất lương thực mà cụ thể là gieo cấy lúa các tiến bộ của KHKT về giống, quy trình kỹ thuật sản xuất, bón phân, phòng trừ sâu bệnh…được áp dụng ngày càng rộng rãi. Một số khâu trong sản xuất cũng đã bước đầu được cơ khí hóa, máy móc hóa theo phương châm xã hội hóa: Làm đất, vận chuyển, tuốt đập lúa…nhờ đó mà năng suất lao động của người nông dân được nâng lên. Tuy vậy vẫn còn những khâu chưa đưa được máy móc làm thay sức người, như: cấy, gặt. Mấy năm gần đây trên đồng ruộng tỉnh đã bắt đầu xuất hiện những máy gặt đập liên hợp loại nhỏ của Trung quốc, Hàn quốc, giải quyết được cả 2 khâu: gặt và đập.
Điều tra sơ bộ của ngành nông nghiệp cho biết: toàn tỉnh đã có khoảng gần 20 chiếc máy gặt đập, bình quân mỗi huyện có từ 2-3 chiếc. Gần đây máy gặt đập liên hợp do Việt Nam chế tạo cũng đã xuất hiện với khoảng 70-80% chi tiết nội. Trung bình cứ khoảng 10-15 phút máy gặt được 1 sào. Điều đáng quan tâm là máy gọn, nhỏ, phù hợp với đồng ruộng của các tỉnh phía Bắc. Sản phẩm cuối cùng của Nó là những bao hạt thóc và người nông dân chỉ việc chuyển về để phơi khô. Ông Trinh Viết Thể, Ninh Khang-Hoa Lư cho biết: gặt máy chi phí khoảng 120.000-130.000 đồng/sào. Hơn nữa, còn hạn chế được đến mức thấp nhất sự hao hụt, rơi vãi trong quá trình thu hoạch và vận chuyển.
Vụ xuân 2011, HTX Đại Phú (Ninh Khang) đã có 2 hộ mua máy về và với ưu thế của máy gặt đập như trên thì hầu như các hộ gia đình nông dân ở đây sẽ sử dụng máy trong việc thu hoạch lúa đông xuân vụ này. Một chủ máy ở HTX Đại Phú (Ninh Khang) cho hay: Giá một chiếc máy gặt đập liên hoàn của Hàn Quốc khoảng trên 200 triệu đồng, được chương trình Khuyến nông, khuyến công hỗ trợ giúp đỡ, gia đình mua máy, chỉ phải nộp trước 50 triệu đồng, số còn lại sẽ trả dần theo hình thức trả góp. Nếu mỗi vụ gặt được 100 mẫu thì khoáng 2-3 vụ là hoàn tất được vốn đầu tư. Máy có thể gặt được ở cả ruộng khô lẫn ruộng nước và khi máy chạy thì luôn cần có 2-3 người thao tác. Song đó chỉ là tính toán trên lý thuyết; còn thực tế hiện tại thì khó thực hiện được, bởi: sự manh mún của đồng ruộng, sự không đồng đều của các vùng lúa, trà lúa, giống lúa và tâm lý của người nông dân
Được biết máy gặt đập liên hợp không phải là "cái gì" mới mẻ. Những năm 70 của thế kỷ trước, máy gặt đập của Liên Xô cũng đã xuất hiện trên đồng ruộng Việt Nam. Nhưng chỉ có điều những chiếc máy "khổng lồ" đó không phù hợp với đồng ruộng Việt Nam vốn nhỏ, lẻ, lại chủ yếu là cấy lúa nước. Như vậy: Cơ chế, chính sách cho việc cơ khí hóa khâu gặt đập đã có và cần có những người nông dân dám nghĩ, dám làm, có tiềm lực đầu tư ban đầu…Chính quyền thôn xã cũng nên có hướng chỉ đạo, khuyến cáo nông dân gieo cấy lúa đồng trà, đồng giống, đồng vùng… Về lâu dài cần tiếp tục chương trình dồn điền đổi thửa cho nhau nhằm tạo ra những khu ruộng rộng, lớn thuận lợi cho máy móc hoạt động./.
Bài, ảnh: Đinh Chúc