Khảo sát tình hình giao dịch tại các máy ATM trong tỉnh cho thấy thời điểm hiện tại không xảy ra ách tắc. Trước đó, dịp Tết Dương lịch, giao dịch ATM cũng diễn ra bình thường. Tuy nhiên những tín hiệu đó chưa giúp cho các "thượng đế" yên tâm về chất lượng dịch vụ ATM trong những ngày tới đây. Chị Nguyễn Thị Giang, phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình nhớ lại: "Trước Tết Nguyên đán năm ngoái khoảng 3-4 ngày, ngày nào tôi cũng đi chờ đợi rút tiền tiêu Tết mà không được vì quá đông. Lúc nào ở các điểm máy ATM cũng có khoảng vài chục người đứng chờ, nhất là công nhân ở các nhà máy. Phải mất cả một buổi chiều 28 Tết, tôi mới rút được tiền để về quê. Dịp Tết năm nay, tôi rất lo tình trạng này lại xảy ra". Cũng như chị Giang, anh Nguyễn Văn Mạnh, một cán bộ công chức cho biết: "ở gần nơi tôi làm việc có một máy ATM, song rất hay báo hết tiền, việc tiếp quỹ chậm trễ. Nhiều lần tôi phải đi mấy điểm máy mới rút được tiền. Vào ngày thường đã vậy, đến Tết, khi nhiều người cùng có nhu cầu rút tiền chắc khó tránh khỏi tình trạng quá tải".
Là công nhân một công ty ở Khu công nghiệp Gián Khẩu, huyện Gia Viễn, chị Trần Thu Thảo bày tỏ: "Vào kỳ lĩnh lương, do có quá đông người cùng rút tiền từ máy ATM nên tôi thường phải đợi rất lâu, đi lại nhiều lần. Dịp Tết, số tiền chi trả qua thẻ của công nhân nhiều hơn những tháng khác nên tôi sợ các máy ATM bị tắc nghẽn, không rút được tiền trước khi nghỉ Tết".
Những băn khoăn, lo ngại của các chủ thẻ ATM trong những này không phải là không có căn cứ. Thực tế hiện nay toàn tỉnh mới chỉ có 52 máy ATM, 80 điểm chấp nhận thẻ, trong khi đó số đơn vị thực hiện trả lương qua tài khoản là 520 với 20.500 tài khoản. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn phát hành hàng chục ngàn thẻ cho các đối tượng khác. Như vậy có thể thấy số lượng thẻ đã vượt rất xa so với cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của khách hàng dùng thẻ ATM. Một điểm đáng lưu ý nữa là những ngày áp Tết Quý Tỵ trùng với thời điểm nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh chi trả lương nên áp lực tiếp quỹ đối với các ngân hàng thương mại tăng nhiều lần so với năm ngoái. Không chỉ có khách hàng nhận lương ổn định thông qua ngân hàng trên địa bàn tỉnh mà dịp Tết còn có hàng nghìn người đi làm việc, học tập ở các tỉnh, thành phố về Ninh Bình nghỉ Tết cũng có nhu cầu rút tiền.
Đồng chí Phạm Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Quý Tỵ, vừa qua, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Ninh Bình đã yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động kiểm tra máy ATM, hệ thống điện, đường truyền, các chế độ bảo đảm an toàn, lập kế hoạch trực, tiếp quỹ kịp thời, nâng cao chất lượng dịch vụ ATM.
Nhiều ý kiến của chủ thẻ ATM cũng đề xuất, bên cạnh sự chuẩn bị của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng cần tăng cường giám sát, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị cung cấp dịch vụ thẻ trong việc tiếp quỹ, không để tái diễn tình trạng các máy ATM đồng loạt hết tiền trong nhiều giờ như dịp gần Tết năm ngoái; công bố số điện thoại đường dây nóng để khách hàng phản ánh, thông tin nhanh về chất lượng dịch vụ ATM dịp Tết Nguyên đán 2013. Ngoài ra Chi nhánh NHNN tỉnh cũng cần quan tâm khảo sát tình hình phát hành thẻ, tránh tình trạng có ngân hàng phát hành thẻ nhiều nhưng chất lượng phục vụ thấp, số lượng máy ít, dùng "ké" hạ tầng của những ngân hàng khác, tiếp quỹ chậm trễ, đẩy "cái khó" cho chủ thẻ. Về phía các ngân hàng thương mại cần kịp thời theo dõi, dự báo sát nhu cầu rút tiền mặt, bố trí cơ cấu mệnh giá tiền hợp lý, tiếp quỹ kịp thời kể cả trong ngày nghỉ, công bố danh sách các địa điểm có đặt máy ATM của đơn vị mình, nếu máy bị hỏng chưa kịp sửa chữa cần thông báo để khách hàng đỡ mất thời gian thao tác. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nên chi trả tiền thưởng năm 2012 và lương ngay từ đầu tháng 2 để giảm áp lực rút tiền, góp phần khắc phục tình trạng quá tải, nghẽn mạng ở máy ATM trong những ngày giáp Tết.
Để bảo đảm an toàn cho hệ thống máy ATM, ngăn ngừa nguy cơ cướp giật, trộm cắp tại nơi rút tiền, cùng với sự nỗ lực, chủ động của các ngân hàng, sự cảnh giác, đề phòng của chủ thẻ rất cần sự quan tâm của lực lượng công an trong việc tuần tra, bảo vệ, đặc biệt là ở khu vực trung tâm thành phố và những khu, cụm công nghiệp có đông công nhân.
Bài, ảnh: Bảo Yến