Ông Tống Văn Lư ở xóm 4, xã Mai Sơn trước đây đi phụ hồ vào lúc nông nhàn. Vất vả là vậy mà tiền công không đủ trang trải cho cuộc sống. "Mình xuất phát điểm từ nghề nông thì cứ bám vào nghề nông mà sống. Nghề gì dù cho khó khăn đến chừng nào thì cũng có cách để làm giàu. Vậy là tôi quyết định về quê, bắt đầu khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng trên chính mảnh đất quê hương mình"- ông Lư nói.
Trên diện tích đất nông nghiệp của gia đình, ông Lư bắt đầu chuyển đổi giống cây trồng. Từ chỉ cấy lúa mỗi năm, ông chuyển sang trồng cây rau màu an toàn. Trồng đến đâu, thương lái về tận nơi thu mua tới đó. Những ruộng rau an toàn đã mang lại cho ông Lư khoản thu nhập ổn định.
Thành công bước đầu đã tiếp thêm cho ông nghị lực, tận dụng những mảnh ruộng người dân bỏ hoang, ông Lư thầu thêm để mở rộng diện tích canh tác. Cứ như vậy, cho đến năm 2013 ông Lư đã thầu hơn 3 ha để trồng cây rau màu. Mùa nào thứ đấy, từ dưa chuột, cà chua, bí xanh và các loại rau quả khác.
Điều đặc biệt là mặc dù phát triển kinh tế, song ông vẫn đặt sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu. Mọi quy trình chăm sóc, thu hoạch ông đều đảm bảo sạch, an toàn. Tiếng lành đồn xa, không chỉ những thương lái nhỏ mà cả những doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cũng đến đặt hàng từ gia đình ông Lư.
"Càng được tín nhiệm thì mình càng phải làm cho đảm bảo an toàn. Chữ tín đặt lên hàng đầu. Ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp thì dù giá thị trường có cao hơn tôi cũng không bán. Nhờ vậy, mà mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa gia đình và doanh nghiệp rất bền chặt, đảm bảo lợi ích cả hai bên. Mỗi năm, thu nhập từ rau màu cũng mang lại cho gia đình khoảng 300 triệu đồng"- ông Lư nói.
Không dừng lại ở đó, năm ngoái, ông Lư mạnh dạn đưa vào trồng các loại cây ăn quả, trong đó có 800 gốc táo và hơn 500 gốc ổi. Đây là những giống cây do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ. Trồng thêm loại cây mới, ông Lư lại mày mò tìm hiểu, nghiên cứu về cách chăm sóc và điều trị bệnh ở cây, bảo đảm cây ra quả phát triển tốt.
Đến thời điểm hiện tại, táo và ổi do ông Lư trồng đã ra quả và sắp đến kỳ thu hoạch. Thương lái đã về tận nơi để đặt hàng trước. Làm không xuể việc, gia đình ông Lư phải thuê thêm 10 người làm vườn với thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng.
Ở xóm 7 xã Mai Sơn, người ta nhắc đến ông Vũ Đức Lũy như một triệu phú giàu nghị lực, một điển hình về chăn nuôi lợn. Ông Lũy nổi tiếng đến nỗi những người ở xa cũng đến tận nhà để học hỏi kinh nghiệm. Ông Lũy tâm sự: Vài năm trước, ở các thôn khác trong xã, phong trào chăn nuôi, đặc biệt là nuôi lợn phát triển mạnh và có hiệu quả kinh tế cao. Thấy điều kiện gia đình phù hợp, thông qua Hội Nông dân, tôi đã đi học hỏi kinh nghiệm và phát triển dần đàn lợn…
Đến nay, hệ thống chuồng trại của gia đình ông Lũy đã mang dáng dấp của một khu chăn nuôi công nghiệp, hiện đại. Hiện, trong trang trại của ông có hàng trăm con lợn thịt. Mỗi năm, tổng thu từ chăn nuôi lợn của gia đình ông đạt hàng trăm triệu đồng. Làm ăn có hiệu quả, ông Lưu cung ứng giống và vận động bà con trong thôn cùng tham gia phát triển chăn nuôi.
Ông Đinh Văn Chiếm, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Sơn cho biết, xác định phát triển các mô hình kinh tế gia đình là hướng đi chủ lực để kinh tế địa phương phát triển, xã Mai Sơn đặc biệt khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình phát triển kinh tế.
Theo đó, xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tích cực phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT trong chăn nuôi, trồng trọt… để bà con có thêm nhiều kiến thức trong việc tìm ra những giống cây, con phù hợp để thành lập mô hình. Mỗi tổ chức, đoàn thể lại có cách làm riêng để gây dựng phong trào phát triển kinh tế cho các hội viên trong tổ chức mình.
Điển hình như Đoàn thanh niên với hình thức tuyên truyền, lồng ghép vào các hoạt động, các buổi sinh hoạt là các cách làm kinh tế hay, kiến thức mới; tổ chức cho đoàn viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm từ các điển hình phát triển kinh tế trong và ngoài xã...
Hội Nông dân cũng có nhiều đổi mới trong phương thức hoạt động. Hàng năm, nhằm giúp hội viên có điều kiện làm kinh tế, Hội Nông dân đã đứng ra tín chấp phân bón trả chậm và khai thác các nguồn vốn vay tín dụng cho hội viên vay phục vụ sản xuất. Trong 5 năm trở lại đây, các Hội, đoàn thể của xã đã khai thác từ các nguồn vốn vay trên 9 tỷ đồng cho các hộ vay phát triển sản xuất.
Ngoài ra, Hội Nông dân còn tranh thủ sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y huyện… tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật; mở các lớp tập huấn về bảo vệ thực vật, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi; chọn những cây, con giống đạt hiệu quả kinh tế cao; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi cho cán bộ, hội viên…
Với sự nỗ lực của các tổ chức, đoàn thể, trên địa bàn xã đã dần hình thành nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng hàng hóa có năng suất và giá trị cao như: mô hình trồng cây cà chua bi xuất khẩu; mô hình trồng dưa lê, dưa bao tử, dưa chuột; mô hình nuôi lợn siêu nạc; mô hình chăn nuôi gà… đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Từ các mô hình này góp phần đẩy nhanh tỷ lệ hộ nghèo (theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều) của xã giảm từ 9,5% năm 2015, xuống còn 2,96% năm 2016.
Nguyễn Hùng