Dù thuộc nhóm những người yếu thế trong xã hội, khiếm khuyết về cả trí và lực nhưng chưa bao giờ các thành viên của HTX phụ nữ khuyết tật Ứớc vọng xanh ngừng cố gắng vươn lên. Bằng tất cả khát khao hòa nhập và khẳng định giá trị bản thân, họ đang phát huy thế mạnh của mình từ con đường sản xuất các mặt hàng thủ công mĩ nghệ.
Mái ấm hạnh phúc của những phụ nữ khuyết tật
Không giống như tưởng tượng của tôi khi nghĩ về nơi sinh hoạt của các phụ nữ khuyết tật: bình lặng và buồn. Chưa đặt chân vào tới sân nhà - nơi các chị các cô đang làm việc, đã vọng ra tiếng cười nói, tiếng chặt đót nhịp nhàng, một không khí tươi vui và tràn đầy năng lượng.
Chị Phạm Thị Hà, Chủ nhiệm HTX hồ hởi ra tận cửa đón: "Bất cứ ai tới thăm là chị em mừng lắm, cảm thấy mình như được quan tâm hơn".
Được biết, HTX Phụ nữ khuyết tật Ước vọng Xanh là một tổ hợp đa ngành nghề do một nhóm phụ nữ khuyết tật nhiệt huyết, đồng sáng lập từ tháng 10/2020 với mong muốn có một tổ chức sản xuất phù hợp với người khuyết tật và nhóm yếu thế, tạo sinh kế và gắn kết hòa nhập của người khuyết tật với cộng đồng.
Với ngành nghề chính là sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ, tre, nứa, rơm rạ và vật liệu tết bện, dịch vụ tắm hơi, massage…Trong đó, xác định sản phẩm chủ lực là làm chổi đót, chổi chít, cung cấp đi tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Chia sẻ về lí do lựa chọn nghề làm chổi cho thành viên của HTX, chị Hà cho biết đã từng thử nghiệm rất nhiều ngành nghề cho chị em như làm chiếu gỗ, đệm ghế, hoa giấy, đan bèo…nhưng những sản phẩm đó phần vì khó tiêu thụ, phần vì yêu cầu sự tỉ mỉ và tay nghề cao, mẫu mã lại thay đổi liên tục, là thách thức lớn với những người khuyết tật.
Nhận thấy thị trường tại Ninh Bình và một số địa phương lân cận có nhu cầu tiêu thụ chổi quét từ cây đót rất lớn, trong khi các cơ sở sản xuất sản phẩm này trong tỉnh rất ít, chủ yếu là hàng nhập từ tỉnh khác.
Hơn nữa, việc sản xuất chổi cũng phù hợp với sức khỏe của người khuyết tật. HTX phụ nữ khuyết tật Ước vọng Xanh quyết định thành lập xưởng sản xuất và phân phối chổi đót, chổi chít. Để đảm bảo chất lượng chổi tốt nhất, HTX đã cử người đi học nghề, mời nghệ nhân về hỗ trợ.
"Dù bản thân khuyết tật nhưng sản phẩm làm ra khi đã đưa ra thị trường đảm bảo không thua kém gì các mặt hàng ở cơ sở khác, thậm chí bằng giá thị trường nhưng đẹp hơn, chắc chắn hơn, đầy đặn hơn. Các thành viên luôn cố gắng hết sức, dồn tất cả tâm huyết trong công việc của mình, làm nghề một cách nghiêm túc và tự hào". Chị Phạm Thị Hà cho biết.
Mỗi tháng cơ sở xuất đi từ 500 - 1.000 chổi, sản xuất theo đơn đặt hàng, phân phối cho nhiều đại lí trên toàn tỉnh. Không chỉ tạo việc làm cho các thành viên trong HTX mà còn tạo điều kiện thu nhập cho các anh chị em khuyết tật từ các huyện qua việc làm đại lý cho xưởng.
HTX không có nhiều thành viên, từ khi thành lập đến nay tất cả có 15 thành viên, nhưng thường trực làm việc chỉ có 9 người. Để sản xuất đủ và kịp đơn hàng, các thành viên luôn làm việc hết mình.
Một buổi sinh hoạt của HTX sau giờ làm việc.
Trả lời câu hỏi về khó khăn trong quá trình làm việc, chị Đinh Thị Làn, quê xã Khánh Lợi (Yên Khánh) vẫn tay đan, tay nối không ngừng nghỉ chia sẻ: bản thân tôi bị teo cả hai chân trong một cơn sốt khi mới 3 tuổi, cuộc sống từ nhỏ đến lớn hầu hết phụ thuộc vào cha mẹ. Tôi sống khép kín và xa cách với nhịp sống ồn ào của xã hội. Nhưng Ước vọng xanh đã đem đến cho tôi niềm hi vọng, không chỉ là nơi làm việc, có thu nhập trang trải, không dựa dẫm vào gia đình, còn là mái nhà tình thương ấm áp giúp tôi cởi bỏ được mặc cảm, sống khỏe, sống có ích hơn. Thu nhập mỗi tháng từ 1- 2 triệu đồng với bao người là không nhiều, nhưng có ý nghĩa rất lớn với tôi.
Tại HTX, mỗi thành viên một hoàn cảnh, một dạng khuyết tật, ngay cả chủ nhiệm HTX - chị Hà cũng là người có hoàn cảnh rất đáng thương, chị bị bệnh xương thủy tinh. Đó cũng là lí do khiến chị mặc cảm không lập gia đình vì sợ di truyền cho con và coi Ước vọng xanh là ngôi nhà đem lại hạnh phúc cho mình.
Chị Phạm Thị Hà bày tỏ: trên con đường phát triển, HTX và các thành viên đã gặp không ít khó khăn, tuy nhiên, điểm chung ở chúng tôi là đã vượt qua được mặc cảm về khiếm khuyết cơ thể, mạnh mẽ với khát vọng hòa nhập cộng đồng.
Trên thực tế hoạt động của HTX còn bộc lộ nhiều hạn chế mà người khuyết tật mong mỏi nhận được sự hỗ trợ từ các ngành chức năng và cộng đồng.
Thời gian tới, HTX phụ nữ khuyết tật Ước vọng xanh mong muốn có một cơ sở làm việc rộng rãi hơn, không phải mượn nhà thành viên để làm nơi làm việc tạm bợ và chật hẹp; mở rộng được thị trường, kết nối nhiều hơn các đại lí bán hàng để tiêu thụ sản phẩm, đem lại thu nhập ổn định cho các thành viên…