Anh Đỗ Tiến Dũng, bí thư chi đoàn xóm 6 tâm sự: Chi đoàn anh phụ trách có 20 thành viên nhưng đa số là các bạn trẻ còn đi học, đi làm, ngay cả bản thân anh cũng đang gắn bó với nghề lái xe để phụ giúp gia đình phát triển kinh tế. Bởi vậy, việc sinh hoạt, họp hành không diễn ra thường xuyên, khi có thông báo, kế hoạch thì chủ yếu là trao đổi qua "điện thoại". Thậm chí, cuộc họp có thể diễn ra ngay tại "quán nước" cho "tiện" vì mỗi người đều tất bật với công việc riêng. Số lượng thành viên tham gia thường dao động từ 3 -4 người chủ chốt. Tần suất họp một năm có khi vỏn vẹn 2 đến 3 lần, trong khi theo quy định thì các chi đoàn phải tiến hành sinh hoạt định kỳ theo tuần, tháng và quý.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, anh Hoàng Tiến Trình, bí thư đoàn xã nhận định: Do tác động của nền kinh tế thị trường dẫn đến đoàn viên thanh niên thường xuyên đi làm ăn xa, ít về quê hương. Những cá nhân có mặt tại địa phương cũng không "mặn mà" với tổ chức đoàn mà thường tham gia sinh hoạt tại nơi mình làm việc. Bên cạnh đó, phương pháp tuyên truyền, vận động của đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở trước đây chưa thật sự thu hút thanh niên, mô hình tập hợp không đa dạng, phong phú. Và quan trọng là nguồn kinh phí phục vụ công tác đoàn vẫn còn hạn hẹp nên việc tổ chức và duy trì hoạt động đoàn còn khó khăn.
Để khắc phục tình trạng trên,Ban chấp hành đoàn xã Lưu Phương đã lập kế hoạch đổi mới phương thức hoạt động nhằm thu hút sự chú ý của lực lượng đoàn viên thanh niên. Đó là linh hoạt các hình thức tuyên truyền bằng cách viết tin, bài thông báo trên đài truyền thanh của xã với nội dung hấp dẫn. Nhờ đó mà chương trình 3 ngày thứ bảy tình nguyện, 3 ngày chủ nhật xanh do Đoàn xã tổ chức đã thu hút trên 300 lượt đoàn viên thanh niên và nhân dân tham gia hưởng ứng.
Ngoài ra, đối với những chi đoàn còn yếu kém, xã tiến hành khắc phục bằng cách phân công các đồng chí ủy viên Ban chấp hành xuống dự sinh hoạt chi đoàn. Từ đó có biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn các chi đoàn chuẩn bị nội dung hoạt động tốt hơn, khuyến khích đổi mới tư duy trong công tác đoàn. Đặc biệt, đoàn xã cũng cho rằng việc sinh hoạt chi đoàn định kỳ không nhất thiết phải tổ chức tại nhà văn hóa mà nên thường xuyên có sự thay đổi về không gian, thời gian sinh hoạt phù hợp để tránh sự nhàm chán và tạo sức hút mới lạ.
Bên cạnh đó, Ban chấp hành đoàn xã cũng khuyến khích đoàn viên thảo luận, bàn bạc về các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Phát huy tính sáng tạo, vai trò chủ thể của người đoàn viên trong xây dựng và bảo vệ chính quyền. Tuy vậy, phương thức hoạt động của đoàn phải gắn với nhu cầu, lợi ích chính đáng của mỗi đoàn viên, thanh niên.
Với những phong trào do Tỉnh đoàn và Huyện đoàn phát động, đoàn xã luôn căn cứ vào tình hình thực tiễn tại địa phương để triển khai phù hợp, tạo nguồn hứng khởi cho đoàn viên thanh niên. Trong phong trào đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp, xã đã thường xuyên tổ chức thăm quan, giao lưu, trao đổi, học hỏi các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi nhằm khơi gợi ý chí và động lực vươn lên làm giàu. Từ đó, nhiều thanh niên mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao như : mô hình nuôi vịt, nuôi trâu của đồng chí Vũ Văn Dương (bí thư chi đoàn xóm 2) ; cơ sở sản xuất nước tinh khiết, đá sạch của đồng chí Trần Trọng Tấn (đoàn viên chi đoàn xóm 9) ; mô hình đầu tư máy phục vụ sản xuất nông nghiệp kết hợp chăn nuôi của đồng chí Bùi Thị Hướng ( chi đoàn xóm 10)…
Những nỗ lực trong công tác nâng cao chất lượng sinh hoạt đoàn nhằm thu hút tập hợp đoàn viên đã gặt hái được kết quả nhất định. Tuy còn nhiều khó khăn trước mắt, song đoàn xã Lưu Phương đã phần nào tạo ra sân chơi bổ ích và thiết thực cho những người trẻ dám nghĩ dám làm, đồng thời phát huy được sức mạnh tổng hợp của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng quê hương.
Vân Anh