PV: Thưa ông, là người từng được cử đi học tập ở đất nước Nga, hẳn ông vẫn còn nhớ những kỷ niệm quãng thời gian đó, ông có thể chia sẻ với bạn đọc về những kỷ niệm ấy?
Ông Trần Quang Hiển: Ký ức về nước Nga vẫn ăm ắp trong tôi, đó là đất nước tuyệt vời trên cả phương diện thiên nhiên, địa lý, xã hội và con người. Thiên nhiên Nga lộng lẫy ,kỳ thú, phong cảnh tuyệt vời, nhất là mùa thu lá vàng, mùa đông tuyết trắng. Năm 1980 tôi và một số cán bộ công đoàn có thành tích xuất sắc được chọn sang học Trường đại học văn hóa công đoàn Liên Xô (cũ) tại thành phố Lêningrat (nay là thành phố Sanhpetecbuerg ). Thành phố đó là cái nôi của cách mạng tháng mười. nơi đã sản sinh ra nhiều nhà cách mạng nhiều nhà văn hóa lớn, nhiều nhà văn nhà thơ. Hiện thành phố vẫn còn nguyên Bảo tàng áprô- ra (Bảo tàng chiến hạm Rạng Đông), đó là chiếc tàu thủy đã phát hỏa, nã súng vào cung điện Mùa Đông, hiệu lệnh cho toàn thể dân tộc Nga đứng lên khởi nghĩa, làm nên thành công Cách mạng tháng Mười, dựng nên chính quyền Công- Nông đầu tiên trên thế giới. Mảnh đất ấy quật cường gan dạ, trở thành tấm gương sáng chói cho con đường độc lập dân tộc của toàn nhân loại. Cũng mảnh đất ấy đã hình thành nên nhân cách con người mới XHCN, con người có văn hóa trong thời đại ngày nay. Kiến thức Nga và những người thầy, người bạn, người đồng chí Nga, cộng với cuộc sống thực tiễn Nga đã cho chúng tôi đầy đủ về một nền văn hóa Nga, tâm hồn Nga, đạo đức Nga. Đó là tinh thần yêu nước, dám hy sinh vì Tổ quốc, sống thủy chung với bạn bè; lòng vị tha và tinh thần quốc tế cao cả, tính nhân văn, lòng tự tôn dân tộc được đề cao. Những phẩm chất tốt đẹp ấy đã là hành trang cho chúng tôi mang về góp phần phục vụ cho quê hương, đất nước Việt Nam quang vinh và giàu mạnh.
PV: Trở về Việt Nam, ông đã được giao cho nhiều trọng trách và đến bây giờ khi đã nghỉ hưu, ông được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Ninh Bình. Trong thời gian qua, Hội đã có những hoạt động thiết thực gì, thưa ông?
Ông Trần Quang Hiển: Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Ninh Bình được thành lập từ năm 2014 nhằm thu hút tập hợp, những người Ninh Bình từng sinh sống, học tập, lao động trên đất nước cộng hòa Liên Bang Nga (trước đây) và nước Nga ngày nay. Ngoài ra, Hội còn kết nạp những người yêu tiếng Nga có nhu cầu vào Hội. Hiện nay, Hội có 3 chi hội (ở thành phố Ninh Bình, Tam Điệp và Công an tỉnh) với tổng số hội viên của Hội gần 100 người, trong đó hơn 70 hội viên là những người đã từng sinh sống, học tập, lao động trên đất nước cộng hòa Liên Bang Nga, còn lại là những hội viên yêu tiếng Nga, yêu đất nước Nga gia nhập Hội để có thêm hiểu biết về đất nước Nga. Hội hoạt động trên tôn chỉ, mục đích nhằm củng cố, tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác, hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Ninh Bình nói riêng với nước Nga; tổ chức các hoạt động ôn lại truyền thống, thăm hỏi, giúp đỡ hội viên khi ốm đau, khi gặp những điều không may trong cuộc sống, qua đó tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa các hội viên với nhau.
Thực hiện tôn chỉ, mục đích của Hội, BCH Hội hàng năm họp ít nhất một lần, Ban Thường vụ Hội sinh hoạt ít nhất 1 lần/1 quý và hàng năm, cứ đến ngày Cách mạng tháng Mười, Hội tổ chức gặp mặt toàn thể hội viên để cùng nhau ôn lại kỷ niệm những tháng ngày học tập và sinh sống trên đất nước bạn, để được nói lên tiếng nói tri ân với đất nước và những con người đã hết lòng sẻ chia, giúp đỡ nhân dân Việt Nam.
PV: Thời gian tới, Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung vào những hoạt động nào để góp phần duy trì, phát triển mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam- Nga?
Ông Trần Quang Hiển: "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây"- đó là truyền thống của người Việt Nam. Lòng tri ân đậm đà của chúng tôi vẫn luôn hướng về nước Nga yêu dấu. Thấm nhuần quan điểm đó nên trong hoạt động của Hội, Ban Thường vụ, BCH Hội luôn xác định phải làm tốt công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng quán triệt, triển khai đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các văn bản, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác đối ngoại nhân dân, trong đó có công tác đối ngoại với đất nước Nga. Hội sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đối ngoại trong tình hình mới. Đồng thời làm tốt công tác thăm hỏi, động viên các hội viên cùng nhau vươn lên trong cuộc sống. Trong phạm vi có thể, Hội tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động hòa bình, hữu nghị, hợp tác nhân dân, góp phần lưu giữ và phát triển mối quan hệ ân tình Việt Nam- Liên bang Nga trước đây và mối quan hệ hợp tác, phát triển với nước Nga này nay.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Đinh Ngọc