Về xã Trường Yên (Hoa Lư) vào những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay nhanh chóng ở miền quê này. Sau hơn 4 năm về đích NTM, diện mạo làng quê ở xã Trường Yên có nhiều đổi mới. Đi trên con đường nông thôn mới ở Trường Yên chúng tôi cảm nhận được nét hài hòa giữa truyền thống với hiện đại.
Điều gây ấn tượng mạnh với chúng tôi là cùng với vẻ bề ngoài có phần hiện đại, ở nơi đây vẫn tồn tại những hình ảnh đậm chất một làng quê cổ kính với cây đa, giếng nước, sân đình, rặng tre kẽo kẹt... Đặc biệt, còn đó những ngôi nhà cổ có tuổi thọ hàng trăm năm vẫn được người dân gìn giữ như tài sản vô giá của cả cộng đồng.
Đồng chí Hoàng Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên cho biết: Trường Yên là xã đặc thù, nằm trong vùng lõi di sản Tràng An, vì vậy quan điểm của xã khi bắt tay vào xây dựng NTM là không "thành thị hóa nông thôn", nhất định phải giữ được những nét của "hồn" quê xưa, cho nên, bên cạnh chú trọng phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, Trường Yên đặc biệt quan tâm đến xây dựng đời sống văn hóa trong xây dựng NTM, kế thừa và bảo tồn những cảnh quan, kiến trúc, văn hóa, duy trì các phong tục trong lễ hội mang đậm nét truyền thống theo cách làm riêng và sáng tạo, phù hợp với thực tiễn địa phương, nổi bật là duy trì các hoạt động trong Lễ hội Hoa Lư được tổ chức hàng năm vào tháng 3 âm lịch với nhiều hoạt động trong phần lễ được gìn giữ từ ngàn đời như tế quan; rước kiệu; tiến phẩm vật... và những trò chơi dân gian mang đậm nét truyền thống như chọi gà; tổ tôm điếm; chèo thuyền...
Hiện ở xã Trường Yên vẫn còn giữ gìn và bảo tồn được khoảng trên 100 ngôi nhà cổ, trong đó có hơn 10 ngôi nhà có niên đại hàng trăm năm. Đặc biệt, còn nhiều di tích lịch sử được bảo tồn, gìn giữ cẩn thận, điển hình là hệ thống các đền thờ, chùa, đình thuộc khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư. Cùng với đó là cây đa, giếng nước cổ còn được lưu giữ trong các sân đình...
Nét đẹp truyền thống của nhân dân ta trong tình làng nghĩa xóm, "tối lửa, tắt đèn có nhau" đã và đang tiếp tục được nhân lên trong các xóm làng của xã. Nhiều gia đình chỉ làm bờ rào thấp ngang người để tăng sự giao lưu, gắn kết tình làng nghĩa xóm giữa các gia đình. Mỗi khi gia đình nhà ai có công có việc thì cả xóm cùng chung tay giúp sức, cả về vật chất và tinh thần, giúp giảm chi phí thuê mướn bên ngoài mà tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt... Hiện Trường Yên đang nỗ lực chỉ đạo các thôn, xóm thực hiện các tiêu chí, phấn đấu sớm đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Rời xã Trường Yên, chúng tôi đến làng Nộn Khê, xã Yên Từ (huyện Yên Mô), xã mới được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Làng Nộn Khê gồm 4 thôn Thượng, Trung, Cầu, Chùa. ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến làng là nét đẹp của cổng làng, được biết các hoa văn, họa tiết trên cổng làng được chạm khắc, xây dựng dựa theo nét nguyên bản của cổng làng xưa cũ.
Bước qua cổng làng, hàng loạt cảnh quan cổ xưa như hiện ra trước mắt, dễ nhận thấy nhất là dù tuyến đường mới được mở rộng, đổ bê tông sạch sẽ nhưng vẫn giữ được nét thân quen của con đường lát gạch xưa; những công trình đình, đền, chùa, ao làng, cây cổ thụ... vẫn được bảo tồn nguyên vẹn; những con đường hoa nối dài mới được trang trí, như hòa quyện điểm tô thêm nét đẹp của làng quê nơi này.
Với người dân làng Nộn Khê nói riêng và xã Yên Từ nói chung thì đình làng là một biểu tượng văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống làng xã. Vì vậy, thực hiện tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, Yên Từ có cách làm hay và sáng tạo khi gắn yếu tố văn hóa với đời sống tâm linh; gắn kết đình làng với nhà văn hóa các thôn. Đình làng Nộn Khê là một ví dụ.
Đình gắn bó mật thiết với đời sống của nhân dân từ bao đời nay, là trung tâm diễn ra mọi sinh hoạt của cộng đồng làng xã, đặc biệt là nơi tổ chức lễ hội làng truyền thống Báo Bản, một trong những lễ hội có sức thu hút đông đảo người tham gia từ các vùng miền xung quanh, với nhiều hoạt động lễ hội truyền thống như tế quan, rước kiệu quanh làng, dâng hương các vị tiên hiền, các liệt sĩ, lễ mừng thọ người cao tuổi tại nhà văn hóa 4 thôn...; cùng với đó, dạ hội văn nghệ "Tiếng hát quê hương", sinh hoạt câu lạc bộ thơ, sinh vật cảnh, chợ đêm cổng Đình, các trò chơi dân gian như thi tay nghề, cờ tướng, tổ tôm điếm, chọi gà, đu quay, ném vòng... vẫn được làng duy trì hàng năm.
Theo ông Bùi Văn Long, Trưởng làng Nộn Khê (chức danh do làng suy tôn theo phong tục), việc gắn kết các công việc của đình làng với nhà văn hóa các thôn rất hiệu quả, bởi vừa giữ gìn những giá trị truyền thống lịch sử, bồi đắp những giá trị mới, lại vừa nâng cao giá trị văn hóa đình làng trong không gian văn hóa làng xã NTM. Khi xã Yên Từ có chủ trương thực hiện phong trào xây dựng NTM, 1.200 hộ dân tại các thôn, xóm trong làng rất ủng hộ, nhiều gia đình tự nguyện hiến đất làm đường, xây nhà văn hóa và các công trình phúc lợi.
Chúng tôi đã nghĩ rằng phải chặt bỏ cây cối để làm đường nhưng theo nguyện vọng của ngươi dân trong thôn, xóm, được chính quyền xã, huyện chấp thuận nên các con đường trong làng vẫn được mở đúng với tiêu chí đặt ra mà nét đẹp xưa của làng quê vẫn được lưu giữ nguyên vẹn. Những năm gần đây, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn xã còn tổ chức trồng nhiều tuyến đường hoa rực rỡ sắc màu...
Cùng với đó, đời sống văn hóa tinh thần của dân làng vẫn được duy trì và gìn giữ; những năm qua, làng đã khôi phục và duy trì được các hội tế, hội múa rồng múa lân, hội thơ... đồng thời, cùng nhau thực hiện tốt các hương ước của địa phương; qua đó, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn kết bền chặt, khiến chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi.
Ông Phạm Văn Bẩy, Phó Bí thư Đảng ủy xã Yên Từ cho biết: Nhận thức được việc gìn giữ nét đẹp văn hóa làng không chỉ giữ lại những gì mà ông, cha ta đã dày công vun đắp, mà qua đó giáo dục cho thế hệ trẻ những nét văn hóa truyền thống của quê hương cũng như giữ lại "linh hồn" cho làng quê Việt, trong quá trình xây dựng NTM chúng tôi luôn chỉ đạo, tuyên truyền tới người dân về phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng đi đôi với bảo vệ tôn tạo các di tích lịch sử, các thiết chế vật thể; đồng thời cải tạo cảnh quan nông thôn nhưng vẫn phải giữ lại được những nét vốn có của làng quê, khôi phục lại những giá trị văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Đây chính là những yếu tố quan trọng, góp phần bồi đắp, khơi dậy tinh thần, ý thức tự giác và sự đồng lòng của người dân trong xây dựng NTM, tạo điều kiện thuận lợi để xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Bài, ảnh: Kiều Ân