Ngoài giải thưởng này, tác phẩm của anh còn được trao giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Bình lần thứ V, được công nhận Sáng kiến cấp tỉnh; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo. Diễn ca thuốc nam chữa bệnh từ Cố đô Hoa Lư của Nguyễn Hoán đã được Nhà xuất bản Y học in ấn và phát hành 2 tập. Tập 1 gồm 1.000 câu thơ lục bát giới thiệu 97 bài thuốc Nam, điều trị 44 chứng bệnh, xuất bản đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tập 2 gồm 1.000 câu thơ lục bát giới thiệu 87 bài thuốc Nam điều trị 36 chứng bệnh. Ngay khi đọc bản thảo tập 1, thầy thuốc nhân dân, bác sĩ cao cấp Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam đã đánh giá: "Đây là một công trình y học và văn học đáng trân trọng". Còn PGS - TS Phạm Duy Đức, Viện trưởng Viện văn hóa và phát triển Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh thì nhận định: "Với một tâm hồn đượm tính nhân văn, yêu đời, yêu người và yêu nghề tha thiết, lương y Nguyễn Hoán đã cống hiến cho chúng ta những vần thơ mộc mạc, hồn nhiên và sâu sắc, chứa đựng những tri thức của y dược học cổ truyền thiết thực, bổ ích cho mọi người, nhất là phục vụ cho bà con nông dân ở những vùng quê".
Hai tập Diễn ca được độc giả đón nhận như một cẩm nang hữu ích cho mọi gia đình. Những bài thuốc Nam được viết theo thể văn vần dễ hiểu, dễ nhớ; có sức lan tỏa sâu rộng, rất tiện lợi cho việc áp dụng chữa những chứng bệnh thường gặp bằng những cây thuốc ngay tại vườn nhà.
Nếu nói về nghệ thuật văn học thì "Diễn ca thuốc nam chữa bệnh từ Cố đô Hoa Lư" của Nguyễn Hoán có thể chưa cao. Nhưng nếu anh không có tâm hồn thơ, năng khiếu làm thơ, thể hiện cảm xúc nhân sinh bằng những vần thơ: "Càng đi, càng thấy càng vương/Người quê khuya sớm, nắng sương dãi dầu/Nơi phố chợ chốn đồng sâu/Tai ương, bệnh tật, còn đâu nét cười/Tổ tiên chung bọc làm người/Nghìn năm nay vẫn đất trời Việt Nam/ Lá lành, lá rách quyện đan/Mưa tan, bầu bí chung giàn nắng lên" thì không thể làm nên tập Diễn ca như thế.
Nguyễn Hoán đến với thơ từ nguồn cảm hứng về quê hương, về truyền thống quê hương, những danh lam thắng cảnh; những con người thân thiết với anh và những đồng nghiệp trong ngành Y tế hết lòng chăm lo cho người bệnh. Anh đã có nhiều bài thơ đăng trên các tạp chí Trung ương và địa phương. Những bài thơ ấy anh vắt ra từ nguồn cảm hứng về quê hương, về các chiến sỹ "áo trắng" ngày đêm trên mặt trận chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Từ bài "Hương quê" với những "hương quê, hương bưởi, hương cau… hương thầm" rồi "Chiếu chèo ngày xuân", "Thu tím", "Lối xưa", "Tiếng vọng", "Mưa quê"… đều chung một nỗi niềm, một tình yêu quê hương da diết, rồi những bài: "Sống yêu thương em chẳng tiếc mình", "Cô Tấm ngành Y", "Tình em áo trắng", "Sáng mãi Đặng Thùy Trâm", "Đài hoa dâng Bác"… đã toát lên những cảm xúc của anh về ngành y, về bạn bè, đồng nghiệp đã kề vai sát cánh bên anh cả cuộc đời.
Nguyễn Hoán có tâm hồn thơ và bày tỏ cảm xúc nhân sinh quan của mình qua những vần thơ. Chính từ những cảm xúc tận tâm hồn và sự lai láng của thơ ấy đã khơi nguồn, thúc giục anh viết diễn ca và mới viết được diễn ca về những bài thuốc, cây thuốc. Theo bác sỹ cao cấp Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam thì trong lịch sử y học Việt Nam Nguyễn Hoán là người thứ 2 làm diễn ca giới thiệu những chứng bệnh và cách chữa trị.
Đọc "Diễn ca thuốc nam chữa bệnh từ Cố đô Hoa Lư" ta có cảm giác như đến với ca dao tục ngữ. Nguyễn Hoán mở đầu tập 1 bằng tứ tuyệt ca: "Nối lời ru mãi ngàn năm/Tình người, tình đất thấm đầm hương xuân/Nhớ quốc sư bậc thánh nhân/Ươm vườn sinh dược nắng ngân ánh hồng."
Anh giới thiệu cho độc giả biết về quốc sư Nguyễn Minh Không và vườn thuốc Nam ở làng Sinh Dược, xã Gia Sinh, Gia Viễn. Có thể nói vùng đất Hoa Lư xưa là cái nôi sinh ra các thầy thuốc giỏi; là nơi nuôi, trồng và sử dụng những cây thuốc, vị thuốc quý. Nay nơi đây cã Chùa Bái Đính - Ngôi chùa lớn nhất Đông Nam á tọa lạc.
Sau tứ tuyệt ca với tình quê, tình người, Nguyễn Hoán giới thiệu về chứng Cảm nắng: "Thương ai vất vả trên đồng/Đang trưa nóng bức oi nồng nắng thiêu/Bỗng nhiên loạng choạng liêu xiêu/Sốt cao, thở dốc, ra nhiều mồ hôi/Mắt nhìn lơ đãng xa xôi/Rồi dần chẳng thiết, xa rời xung quanh". Thế là biết ngay cảm nắng rồi, phải sử lý ngay bằng: "Tìm nơi bóng mát cây xanh/Nới rộng quần áo lấy nhanh nước chườm/Đắp khăn lạnh, nách, trán, sườn/Thương nhau chớ có vây nườm nượp vây" và cho bệnh nhân uống nước "lá tre cùng là sắn dây". "hoặc mía tươi vắt nước…" rồi "Hương nhu, củ sắn dây ta/Sắc mau nước uống ấy là thương nhau". Đơn giản thế nhưng là biện pháp cấp cứu diệu kỳ, nếu không làm khẩn trương, thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi bệnh trầm trọng. Bằng những câu thơ dễ hiểu, dễ nhớ, Nguyễn Hoán đã gieo vào tâm trí mọi người những bài thuốc vô cùng hữu hiệu, xử lý cho những người nông dân chân lấm, tay bùn, vất vả dãi nắng, dầm mưa, làm ra hạt lúa, củ khoai nuôi sống xã hội loài người. Trong 44 chứng bệnh Nguyễn Hoán giới thiệu ở tập 1 của diễn ca, đều là chứng bệnh thường gặp ở cả bốn mùa, mỗi khi trái gió trở trời như cảm nóng, cảm lạnh, các chứng ho… và những bệnh lây lan theo mùa như bệnh quai bị, bệnh sởi, bệnh đau mắt đỏ, viêm họng… Rồi những bệnh tự phát do cơ địa mỗi người, hoặc do tuổi tác như viêm bàng quang cấp tính, hoạt tinh, di tinh, băng kinh, rong huyết… Các bệnh do sự tác động của ngoại cảnh như: Đau do vết thương bầm tím và bong gân, hóc xương, ong đốt, rắn cắn, phải bỏng, kiến chui lỗ tai… Mỗi chứng bệnh Nguyễn Hoán đều nêu nguyên nhân, triệu chứng và bài thuốc chữa. Mà đã là bài thuốc thì đâu có nói chung chung được, mà phải nói chi tiết và chính xác đến từng gam, hướng dẫn cách pha chế và liều lượng, cách sử dụng. Cái khó là ở chỗ này đây; nói sao cho đúng bài thuốc mà lại phải đúng niêm luật của thơ, ví như bài chữa bệnh sởi:
"Mạch môn, đậu đỏ, củ mài/Sa nhân cùng lá dâu ngoài bờ ao/Hạt sen cần thiết biết bao/Mười gam mỗi vị, vị nào cũng hay".
Tập 2 của Diễn ca đề cập đến những chứng bệnh không lây lan nhưng nhiều người mắc phải như: "Đái đường, sỏi đường tiết niệu, động thai, rối loạn kinh nguyệt, đau dây thần kinh hông to, loét dạ dầy tá tràng và một số chứng bệnh thường gặp ở trẻ em.
Chưa dừng lại ở hai tập sách, Nguyễn Hoán còn đang chỉnh sửa chuẩn bị xuất bản tập 3 tiếp theo "Diễn ca thuốc nam chữa bệnh từ Cố đô Hoa Lư". ở tập 3 này anh cho biết: chuyên nói về cây thuốc, tác dụng và ứng dụng của từng cây để chữa trị bệnh tật. Thêm 2.568 câu thơ nữa, giới thiệu 61 cây vừa là cây ăn quả, cây rau, cây cảnh đều là những cây dược liệu rất gần gũi quanh ta, như cây rau sam, cỏ sữa, lá lốt, mơ tam thể, cỏ nhọ nồi… Đến rau má, xương sông, tía tô, mã đề, sen, gấc, dâu tằm…những cây ăn quả như bưởi, quýt, nhãn, vải đến mơ, táo, mận, đào... Mỗi loại cây được anh giới thiệu tỉ mỉ hình dáng của cây, rồi nói đến tính, vị, quy kinh, công dụng, cách dùng, ví như cây rau sam đã được anh mô tả: "Lá xanh, cành tía, hoa vàng/Là là mặt đất đố chàng giống chi?/Là mã sỉ hiện chứ gì/Hình răng con ngựa, màu thì tía xanh/Hoa luôn nở ở đầu cành/Phía trên giò lá hợp thành bao hoa
Có lẽ là Nguyễn Hoán giới thiệu chưa hết các loại cây thuốc, nhưng với 61 loại cây này đủ thấy cây cỏ Việt Nam vô cùng phong phú và quý giá; rất gần gũi với mỗi người dân mà công dụng lớn. Những cây cho đời quả ngọt, nhưng quả ngọt ấy lại là vị thuốc, có những cây vừa là rau thơm, tăng thêm hương vị cuộc sống, có loại cây chỉ làm thuốc chữa bệnh như bèo cái, kim ngân, mã đề, ích mẫu…
Nguyễn Hoán quả là đã bỏ nhiều công sức viết "Diễn ca thuốc nam chữa bệnh từ Cố đô Hoa Lư". Tôi mường tượng rằng đến một thời điểm nào đó những câu thơ trong diễn ca của anh đi vào lòng người như những câu ca dao, tục ngữ, châm ngôn được nhiều người thuộc lòng áp dụng cho mình trong việc phát hiện và chữa trị bệnh.
Quang Đức