Ngày nay, kế thừa và phát huy truyền thống về thuật châm cứu và dùng thuốc Nam chữa bệnh của thiền sư Nguyễn Minh Không, đã có nhiều lương y, thầy thuốc trong tỉnh gắn bó với chuyên ngành châm cứu để điều trị cho hàng nghìn người bệnh mỗi năm, giảm tải lượng bệnh nhân phải sử dụng đến thuốc mỗi khi ốm đau, bệnh tật.
Đã ở tuổi "xưa nay hiếm", nhưng thầy thuốc ưu tú, lương y Lê Ngọc Lam (Hội Châm cứu thành phố Ninh Bình) vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn và đặc biệt vẫn duy trì lịch đón tiếp, khám và điều trị cho nhiều bệnh nhân trên địa bàn thành phố Ninh Bình tại ngôi nhà nhỏ của ông ở đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình. Hơn 80 năm tuổi đời, lương y Lê Ngọc Lam cũng đã có quãng thời gian gần 70 năm gắn bó với nghề thuốc Nam từ khi còn là một cậu bé thường theo mẹ đi chữa bệnh ở quê nhà (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa).
Trải qua những năm tháng trong quân ngũ, anh chiến sỹ quân y Lê Ngọc Lam đã chứng kiến nhiều người bị bệnh nặng khó qua khỏi do thiếu thuốc men, phương tiện cấp cứu. Kỷ niệm về một lần cùng học với lương y, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Tài Thu, Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam tại lớp sỹ quan quân y, được chứng kiến bạn học của mình đã dùng thuật châm cứu để chữa thành công một trường hợp chuyên gia Nga bị trúng phong, được các bác sỹ Việt Nam và Nga hết sức bất ngờ và thán phục, trong lòng anh chiến sỹ quân y trẻ đã nhem nhóm ý định tìm hiểu sâu hơn về chuyên ngành châm cứu để ứng dụng và hỗ trợ trong khám, chữa bệnh.
Tranh thủ những lần được đơn vị cử đi học sĩ quan quân y, bác sỹ đa khoa, anh chiến sỹ trẻ đã học thêm về thuốc nam, về thuật châm cứu. Bệnh nhân đầu tiên được chữa khỏi bệnh bằng kỹ thuật châm cứu chính là.. vợ của người thầy thuốc trẻ. Năm 1958 trong một lần về thăm nhà, thấy vợ mắt sưng đỏ, không mở được… bác sỹ Lam đã ứng dụng phương pháp châm cứu để điều trị cho vợ. Chỉ ngày hôm sau, mắt vợ ông đã đỡ sưng, nhìn được. Kết quả này đã trở thành động lực để người bác sỹ trẻ thêm cố gắng trong học tập, nghiên cứu để đưa kỹ thuật châm cứu ứng dụng trong điều trị cho bệnh nhân.
Đến khi về công tác tại Bệnh viện Quân y 5 (Quân khu III), thầy thuốc Lê Ngọc Lam mới được thỏa sức với những đam mê trong lĩnh vực châm cứu với các đề tài nghiên cứu khoa học như: áp dụng châm loa tai trong phức hợp điều trị bệnh lý nội khoa cấp tính thuộc nhiều chứng bệnh khác nhau, châm cứu phục hồi di chứng bại liệt…Nét nổi bật trong hoạt động nghiên cứu khoa học của bác sỹ Lê Ngọc Lam được nhiều đồng nghiệp ghi nhận chính là đề tài "Châm loa tai trong phức hợp điều trị bệnh nhân bị bệnh lý nội khoa cấp tính thuộc nhiều chủng bệnh khác nhau".
Bác sỹ Lam chia sẻ: châm loa tai là phương pháp điều trị có từ lâu đời, được áp dụng vào lâm sàng có kết quả tốt. Trên cơ sở phương pháp này, bác sỹ Lam đã áp dụng điều trị cho nhiều bệnh nhân ở các loại bệnh: đau dạ dày do viêm loét, đau khớp, hen phế quản cấp, viêm dây thần kinh, rối loạn thần kinh tim, nôn mửa, đau nhức mất ngủ do suy nhược thần kinh…
Qua theo dõi, các bệnh nhân được áp dụng phương pháp này đã có tác dụng cắt cơn đau cấp và giảm các triệu chứng bệnh lý trên lâm sàng đạt kết quả khả quan. Từ đề tài nghiên cứu khoa học, ông đã ứng dụng phương pháp châm loa tai được nhiều chứng bệnh mà không đòi hỏi tốn kém về kinh tế mà lại thuận tiện cho cả bệnh nhân và thầy thuốc nên có thể điều trị ngoại trú cho nhiều bệnh nhân cùng lúc.
Từ khi về nghỉ hưu năm 1988 đến nay, ở cương vị là Chủ tịch Hội Châm cứu thành phố Ninh Bình rồi Trưởng ban tư vấn sức khỏe Câu lạc bộ Thúy Sơn, lương y Lê Ngọc Lam vẫn miệt mài với các đề tài nghiên cứu khoa học, tích cực tham gia các hội thảo, hội nghị khoa học, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về đông y - châm cứu cho nhiều cán bộ y tế, tư vấn sức khỏe cho nhiều người cao tuổi, điều trị cho nhiều người bệnh mắc các căn bệnh có mong muốn được chữa bệnh theo phương pháp không dùng thuốc… Năm 2008, lương y Lê Ngọc Lam vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu thầy thuốc ưu tú. Ông cũng là 1 trong 2 thầy thuốc của tỉnh Ninh Bình được trao huy hiệu "Thầy thuốc-cây kim châm cứu Việt Nam".
Phan Hiếu