Theo pháp luật hiện hành, Trung tâm Trợ giúp pháp lý có thẩm quyền ra quyết định phân công cho các trợ giúp viên hoặc các luật sư cộng tác viên thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng là người nghèo; người có công với cách mạng; người già cô đơn, không nơi nương tựa, người khuyết tật và trẻ em không nơi nương tựa... Ngoài ra, khi người dân trực tiếp đến xin được trợ giúp thì các tổ chức hành nghề luật sư, các luật sư có quyền trợ giúp pháp lý miễn phí theo luật định. Một luật sư có thâm niên tham gia trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh cho biết: Trợ giúp pháp lý là hoạt động được xã hội quan tâm và Nhà nước luôn khuyến khích luật sư và tổ chức hành nghề luật sư thực hiện. Trên phạm vi toàn quốc nói chung và ở Ninh Bình nói riêng, đã có rất nhiều luật sư và các tổ chức hành nghề tham gia trợ giúp pháp lý cho người dân. Người dân được trợ giúp pháp lý miễn phí tức là họ được hưởng các dịch vụ pháp lý mà không phải trả tiền, nên có không ít người băn khoăn và quan tâm đến những trợ giúp mà họ có thể nhận được.
Trong phạm vi hành nghề của mình, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí ở một số các lĩnh vực, như: Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự; tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ việc về tranh chấp dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình, lao động, hành chính; thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí; tham gia đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật…
Đối với các vụ án dân sự, thường có hai giai đoạn: Giai đoạn tiền tố tụng và giai đoạn tham gia tố tụng. Trong giai đoạn tiền tố tụng, khi nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý, luật sư sẽ phải xác định xem yêu cầu của đương sự là quan hệ pháp luật nào, tranh chấp dân sự đó có thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án hay không? Hay do một cơ quan khác có thẩm quyền giải quyết. Vụ việc đó có nên khởi kiện hay không? Nếu khởi kiện thì thủ tục ra sao?
Trong giai đoạn tố tụng: Luật sư sẽ hướng dẫn đương sự - người được trợ giúp pháp lý miễn phí thu thập chứng cứ; giao nộp chứng cứ cho tòa án và đề nghị tòa án thu thập chứng cứ; hướng dẫn cho các đương sự tự nguyện hòa giải. Trong nhiều trường hợp luật sư sẽ tự đi xác minh, thu thập chứng cứ để phục vụ cho công việc của mình…
Ngoài ra, sau phiên tòa, trong nhiều trường hợp, luật sư sẽ hướng dẫn cho đương sự làm thủ tục kháng cáo theo quy định của pháp luật. Trong nhiều trường hợp, nếu bản án đã có hiệu lực pháp luật, luật sư còn hướng dẫn cho người được trợ giúp pháp lý về thủ tục thi hành án và các vấn đề khác có liên quan.
Đối với các việc dân sự, khi thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí, luật sư sẽ giúp chuẩn bị hồ sơ yêu cầu giải quyết việc dân sự và tham gia trong giai đoạn tòa án chuẩn bị xét đơn yêu cầu.
Có thể thấy rằng, khi nhận một vụ việc của khách hàng mà đặc biệt họ lại thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý, luật sư sẽ rất bận. Tuy thực hiện vụ việc không có thù lao từ phía người được trợ giúp pháp lý nhưng không phải vì thế mà luật sư không có trách nhiệm. Hiệu quả của việc trợ giúp pháp lý thời gian qua đã cho thấy điều này.
Nhờ luật sư trợ giúp pháp lý miễn phí đã góp phần giúp những người nghèo, đối tượng chính sách, những người yếu thế trong xã hội có điều kiện tiếp cận, sử dụng các quy định của pháp luật để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình; giúp họ nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
P.V