BHTY là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo, chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước coi trọng.Tỷ lệ người tham gia BHYT tăng, người nghèo và các đối tượng hưởng chính sách xã hội đã được Nhà nước cấp thẻ BHYT. Quyền lợi trong khám, chữa bệnh (KCB) của những người tham gia BHYT từng bước được mở rộng, góp phần làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân… Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình vận hành chính sách BHYT cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Đó là tỷ lệ dân số tham gia BHYT chưa cao (tỷ lệ trung bình của cả nước năm 2008 là 46%; ở tỉnh Ninh Bình sau 1-10-2009 là 60%).
Một số đơn vị, tổ chức, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài Nhà nước chưa nghiêm túc thực hiện chính sách BHYT cho người lao động; số người tham gia BHYT tự nguyện phần lớn là người mắc bệnh mãn tính; mức đóng BHYT của các nhóm đối tượng chưa tương xứng với mức độ gia tăng của chi phí KCB cùng với tình trạng lạm dụng thuốc, lạm dụng kỹ thuật cao dẫn đến mất cân đối quỹ BHYT. Ngoài ra thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ y tế và thủ tục hành chính trong KCB BHYT còn gây phiền hà, bức xúc cho người bệnh.
Để chính sách BHYT phát huy tốt tác dụng trong những năm tới, ngày 14-11-2008, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật BHYT. Luật có 10 chương, 52 điều và có hiệu lực thi hành từ 1-10-2009. Theo hướng dẫn của Nghị định 62/CP và Thông tư số 09 của liên Bộ Y tế - Tài chính, Luật BHYT có nhiều thay đổi so với Điều lệ BHYT trước đây. Trong đó có một số điểm liên quan đến người tham gia BHYT, như: đối tượng tham gia BHYT được mở rộng; mức thu BHYT tăng; người bệnh thực hiện cùng chi trả; xác định nơi đăng ký KCB ban đầu; vấn đề chuyển tuyến, vượt tuyến… Trao đổi với đồng chí Lê Hùng Sơn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, chúng tôi được biết: Thực hiện Luật BHYT, từ 1-10 toàn tỉnh sẽ có gần 120 nghìn trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT thay cho hình thức thực thanh, thực chi trước đây. Nếu tích cực triển khai, đầu năm 2010 tỉnh ta sẽ có thêm 72 nghìn người cận nghèo được tham gia BHYT, trong đó Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí mua thẻ, còn lại đối tượng tự bỏ ra. Tuy nhiên, để làm được điều này, phụ thuộc nhiều vào nhận thức của đối tượng và sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành chức năng trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho nhân dân về quyền lợi cũng như trách nhiệm của việc tham gia BHYT, vì sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Theo quy định, việc cùng chi trả kinh phí KCB được áp dụng với hầu hết đối tượng tham gia (trừ lực lượng công an, người có công với cách mạng và trẻ em dưới 6 tuổi). Đối tượng hưu trí, mất sức, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn áp dụng cùng chi trả 5%. Những đối tượng còn lại cùng chi trả 20%. Giải thích vì sao phải áp dụng cùng chi trả, đồng chí Lê Hùng Sơn cho biết: Khi tham gia cùng chi trả, người bệnh sẽ biết được chi phí KCB của mình là bao nhiêu và cũng sẽ phải cân nhắc khi sử dụng kỹ thuật cao, hạn chế việc lạm dụng thuốc, lạm dụng máy móc thiết bị trong khám và điều trị. Việc cùng chi trả cũng là biện pháp được áp dụng rộng rãi ở các nước tiên tiến, nhằm góp phần thực hiện xã hội hóa y tế, đảm bảo cân đối nguồn quỹ BHYT, tránh được tình trạng vỡ quỹ.
Đối với việc đăng ký KCB ban đầu, theo Thông tư hướng dẫn số 10 của Bộ Y tế, nơi đăng ký KCB ban đầu được xác định từ tuyến huyện, thị trở xuống. Trừ một số đối tượng thuộc diện ưu tiên như người có công, cán bộ hưu trí, người nghèo mới được đăng ký KCB ban đầu tại các bệnh viện tuyến tỉnh như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Viện Quân y 5, còn lại sẽ phải đăng ký tại các trạm y tế xã, phường, cơ quan hoặc Trung tâm y tế huyện, thành phố, thị xã.
Như vậy, quy định này sẽ có nhiều xáo trộn với địa bàn thành phố Ninh Bình. Hiện, thành phố có có trên 77 nghìn người tham gia BHYT, trong đó có 46 nghìn người đăng ký KCB ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 19 nghìn người đăng ký tại Viện Quân y 5, còn lại đăng ký ở tuyến cơ sở. Trong điều kiện hiện tại của Trung tâm y tế thành phố Ninh Bình, nếu đưa hết đối tượng trên về KCB ban đầu tại thành phố thì chưa thể đáp ứng yêu cầu, do đó BHXH sẽ bàn với ngành Y tế xây dựng lộ trình chuyển phù hợp. Đối tượng học sinh, sinh viên sẽ chuyển trước, tiếp đến là CBCNV-LĐ. Những người có hộ khẩu thường trú ở các huyện trước đây đăng ký KCB ban đầu tại tuyến tỉnh cũng sẽ được chuyển về huyện…
Việc quy định nơi đăng ký KCB ban đầu sẽ góp phần quan trọng vào việc giảm tải cho tuyến trên, giúp các thầy thuốc có điều kiện học tập, nghiên cứu khoa học, tập trung vào giải quyết những ca bệnh khó, đúng với phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế. Thực tế cũng cho thấy, mấy năm gần đây các Trung tâm y tế huyện, thị đã được Nhà nước đầu tư, nâng cấp nhiều về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, đội ngũ cán bộ cũng được đào tạo và đào tạo lại, các trạm y tế được xây dựng theo hướng chuẩn Quốc gia, vì thế có thể đáp ứng tốt yêu cầu KCB ban đầu cho nhân dân.
Tuy nhiên, theo quy định mới, những bệnh nhân KCB vượt tuyến (không có giấy chuyển viện của tuyến dưới) vẫn được quỹ BHYT chi trả theo tỷ lệ: từ tuyến xã lên tuyến huyện, thị được thanh toán 70% chi phí; từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh được thanh toán 50%; từ tuyến tỉnh đi tuyến Trung ương được thanh toán 30%.
Về mức đóng BHYT cũng có thay đổi, tăng 1,5 lần so với trước và áp dụng với tất cả các đối tượng. Ví dụ, với đối tượng CNVC-LĐ trước đóng 3% mức tiền công, tiền lương, nay đóng 4,5%. Với đối tượng là người nghèo, trước được Nhà nước cấp thẻ BHYT trị giá bằng 3% mức lương tối thiểu thì nay nâng mức này lên thành 4,5%... Sở dĩ phải tăng mức thu BHYT là do những năm gần đây nhiều tiến bộ y học đã được ứng dụng, kèm theo đó là máy móc thiết bị được tăng cường, đáp ứng tốt hơn yêu cầu KCB cho nhân dân, vì vậy việc nâng mức đóng BHYT là thể hiện trách nhiệm của người dân đối với xã hội và cộng đồng, theo phương châm lấy số đông của những người khỏe mạnh chia sẻ với số ít người không may ốm đau, để mọi người đều có quyền được KCB, được thụ hưởng những tiến bộ do y học đem lại. Đó cũng chính là ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chính sách BHYT mà Đảng và Nhà nước đang quan tâm, chăm lo.
Để Luật BHYT đi vào cuộc sống, rất cần có sự qua tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Với 2 ngành BHXH và Y tế hiện có nhiều việc phải làm. Ngoài việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về chính sách BHYT, còn phải tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giải quyết quyền lợi cho người bệnh, đảm bảo sự công bằng trong KCB.
Hà Trang