Phóng viên (P.V): Vì sao trong khi phần lớn các HTX trong tỉnh tập trung phát triển lúa cao sản thì Hợp Tiến lại chọn hướng phát triển lúa chất lượng cao?
Đồng chí (Đ/c) Phạm Thị Nẹ: Điều này xuất phát từ một thực tế là trong những năm qua, sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển, sản lượng lương thực tăng cao, an ninh lương thực được đảm bảo và phần nào dư thừa để trở thành hàng hóa. Tuy nhiên, theo thực tế chứng tôi thấy chất lượng lúa gạo không cao nên giá trị thu nhập thấp. Do vậy, việc đưa thêm một số giống lúa chất lượng cao vào sản xuất là rất cần thiết, nhằm tăng thu nhập cho người nông dân.
Theo đánh giá kết quả sản xuất lúa chất lượng cao năm 2009 của huyện Yên Khánh, thì trong khi lúa thuần chỉ mang lại thu nhập 2,99 triệu đồng/ha, lúa lai là 4,5 triệu đồng/ha thì 2 giống lúa chất lượng cao (LT2 và Bắc thơm số 7) cho thu nhập lên tới 15,36 triệu đồng/ha. Như vậy, mục tiêu cánh đồng 50 triệu/ha/năm sẽ dễ dàng thực hiện hơn. Bên cạnh đó giá giống khá rẻ, việc chăm sóc đơn giản, phù hợp với tập quán canh tác của người nông dân cũng là một ưu thế của giống chất lượng cao. Từ tình hình như vậy năm 2005, HTX đã đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất và được đông đảo bà con nông dân đồng tình hưởng ứng.
P.V: Đồng chí cho biết tình hình sản xuất cụ thể của HTX?
Đ/c Phạm Thị Nẹ: Trước đây, các xã viên thường chỉ cấy các giống Khang dân, Tạp giao, Nếp, Mộc tuyền là chủ yếu. Đây là các giống ít nhiễm sâu bệnh, dễ chăm sóc, năng suất khá cao nhưng chất lượng gạo không ngon. Năm 2005, HTX phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh đưa vào thử nghiệm 10 ha giống lúa Bắc thơm. Lúc đầu bà con cũng còn nghi ngờ, e ngại không dám cấy nhiều nhưng chỉ sau 1-2 vụ, thấy lúa bán được giá thì ai ai cũng phấn khởi chuyển sang cấy giống lúa mới. Từ đó diện tích lúa chất lượng cao tăng dần.
Đến vụ đông xuân 2009, diện tích lúa chất lượng cao của HTX đã là 280 ha (chiếm trên 90% diện tích). Đến nay, kinh nghiệm sản xuất của người dân đã được nâng cao nên năng suất đạt khá (1,7-1,8 tạ/sào). Từ đó đẩy thu nhập bình quân trên 1 sào lúa lên từ 30-35%. Một điều đáng mừng nữa là do thời gian sinh trưởng của lúa chất lượng cao không dài, lúa chín nhanh, chín tập trung nên có thể giải phóng đất sớm tạo thuận lợi để làm thêm vụ đông. Nhờ đó, hiện nay nhiều cánh đồng của HTX đã đạt giá trị trên 50 triệu đồng/ha/năm.
P.V: Mới đây nhất tỉnh đã có quyết định bổ sung một số giống lúa chất lượng cao vào diện hỗ trợ. Xin đồng chí cho biết suy nghĩ của mình về quyết định này?
Đ/c: Phạm Thị Nẹ: Đó là một nguồn động viên rất lớn đối với bà con nông dân. Hiện nay diện tích trồng lúa chất lượng cao chưa nhiều nên việc tiêu thụ khá dễ. Tuy nhiên, trong thời gian tới chắc chắn diện tích này sẽ tăng lên, khi đó cung lớn hơn cầu, việc tiêu thụ sẽ khó khăn. Do vậy, chúng tôi sẽ phải đổi mới phương thức sản xuất, tăng cường cơ giới hóa trong thu hoạch và sau thu hoạch nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, có thương hiệu. Mặt khác, HTX cũng sẽ nghiên cứu đưa một số giống lúa mới có chất lượng cao hơn nữa vào để sản xuất nhằm bắt kịp với những yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó tìm hợp đồng với các đơn vị thu mua, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Ngay trong vụ mùa này, HTX đã ký kết hợp với Công ty Giống cây trồng Trung ương đưa giống Tám thơm đột biến vào sản xuất, vừa là để khảo nghiệm, vừa nhân giống. Nếu thành công, đây sẽ là một hướng đi đầy triển vọng.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Lựu (thực hiện)