Long sàng đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng- Bảo vật quốc gia
Thứ Ba, 20/04/2021, 02:26
Zalo
Long sàng hay còn gọi là sập đá, là một trong những đồ tế khí quan trọng trong không gian thờ tự của người Việt xưa nay. Tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) còn lưu giữ cặp long sàng độc đáo, có một không hai ở Việt Nam.
Long sàng đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng- Bảo vật quốc gia
Cận cảnh chi tiết Long sàng trước đền Vua Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng
Trong các không gian thờ cúng của người Việt xuất hiện nhiều sập đá hầu hết đều tạo tác bề mặt trơn, phẳng, song bề mặt cặp Long sàng tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng có trang trí hình rồng cuộn với nhiều chi tiết độc đáo, thể hiện uy quyền của bậc đế vương.
Mặt Long sàng hình chữ nhật, có gờ chỉ bao quanh để giữ nước mưa. Lâu nay, hình ảnh tượng trưng cho nhà vua và vương quyền được các nước Á đông sử dụng chủ yếu là hình rồng. Trong văn hóa Trung Hoa, rồng thường gắn với mây, ở trên trời. Các bệ rồng Trung Hoa được đặt ở vị trí nghiêng, dốc theo bậc lên xuống. Còn rồng của người Việt, được chạm khắc trên mặt phẳng, có đường diềm giữ nước mưa, hàm ý đây là rồng nước, biểu tượng quyền lực của vị vua đứng đầu một dân tộc lớn lên từ nền văn minh lúa nước, là dòng dõi Lạc Long Quân.
Các em học sinh tiểu học thăm quan Long Sàng. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng
Thực tế, sau cơn mưa, trời hửng nắng, ánh nắng rọi xuống sân đền, rọi lên mặt long sàng làm nổi lên từng đường nét chạm khắc tinh tế. Hình ảnh rồng ẩn hiện trong ánh sáng lấp lánh của nước, của mặt trời khẳng định sự giao hòa, soi chiếu, làm rạng rỡ cho nhau giữa đất và trời, giữa đức vua và muôn dân đất Việt.
Long sàng trước Nghi môn ngoại được triều đình nhà Lê cho chế tác vào đầu thế kỷ XVII (thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Hoằng Định thứ 9, 1608) bằng đá vôi nguyên khối có tuổi địa chất khoảng 260 triệu năm với hệ thống đồ án cung đình, chính thống, phù hợp với ý nghĩa tượng trưng cho vương quyền. Sập chạm khắc 3 con rồng, 04 dạ xoa, 02 thao thiết; 01 phô thủ; 01 sư tử, đều rất chuẩn mực.
Long sàng trước Bái đường do nhân dân Trường Yên công đức, được chế tác cuối thế kỷ XVII, (niên hiệu Chính Hòa thứ 17, 1696) bằng đá vôi nguyên khối có tuổi địa chất khoảng 300 triệu năm. Thời gian này, xã hội có nhiều biến động, văn hóa làng phát triển mạnh, họa tiết trên Long sàng mang màu sắc thế tục rõ nét, với các hình tôm, cá, chồn, chuột, chim đậm chất dân gian, bông lơn, hài hước.
Sinh viên Trường Đại học Tokyo thăm Sân Rồng. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng
Long sàng đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là hiện vật tiêu biểu cho đồ trọng khí trong không gian thờ cúng của người Việt, biểu trưng cho vương quyền của triều đình phong kiến, là hai tác phẩm điêu khắc tiêu biểu ở Việt Nam với nghệ thuật trang trí nhiều ý niệm, giàu chất nhân văn, ẩn chứa nhiều thông điệp bí ẩn, là hiện vật độc đáo có một không hai ở nước ta, là đồ trọng khí, hàng quốc bảo, được công nhận bảo vật quốc gia vào năm 2017.