Trong chương trình Nha học đường tại Trường Mầm non Thúy Sơn (thành phố Ninh Bình), nhà trường phối hợp với phòng khám Nha khoa DR.Thuần, phường Phúc Thành (thành phố Ninh Bình) tổ chức tuyên truyền giáo dục và khám sức khỏe răng miệng cho gần 300 học sinh mầm non lớp 4-5 tuổi tại trường. Bác sĩ nha khoa Lã Văn Dương, phòng khám Nha khoa DR.Thuần cho biết, trẻ ở tuổi mầm non thường chưa ý thức được việc chăm sóc răng miệng, chưa biết cách bảo vệ và phòng chống sâu răng nhưng lại có thói quen ăn đồ ăn có hàm lượng đường cao. Vì thế, các em thường hay bị bệnh về răng miệng như sún, sâu răng, viêm tủy.... Bệnh răng miệng nếu không được điều trị sớm sẽ gây biến chứng như mất răng sớm khiến răng mọc lệch, mất sức nhai, ảnh hưởng đến thẩm mỹ; hoặc có thể biến chứng toàn thân gây viêm khớp, viêm màng tim, viêm cầu thận... Do đó, phòng khám Nha khoa DR.Thuần đã phối hợp với nhiều trường mầm non trên địa bàn thành phố tổ chức tuyên truyền về cách vệ sinh răng miệng, khám miễn phí phát hiện bệnh răng miệng cho các em để có cách điều trị sớm, tránh tốn kém và xảy ra biến chứng cho các em. Qua đánh giá sơ bộ việc thăm khám răng miệng cho trên 1 nghìn học sinh tại 5 trường mầm non trên địa bàn thành phố Ninh Bình từ đầu năm 2019 đến nay, có đến 60-70% trẻ em mầm non 4-5 tuổi được khám mắc các bệnh về răng miệng, như sâu răng, sún răng, viêm răng..., nếu không được điều trị sẽ gây đau nhức làm trẻ không ăn được, dẫn tới biếng ăn, thiếu chất, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Minh Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thúy Sơn (thành phố Ninh Bình), đối với trẻ mầm non, việc chăm sóc dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Trong đó, hàng năm, cùng với việc thực hiện khám sức khỏe, cân đo để theo dõi chiều cao, cân nặng đánh giá sự phát triển của trẻ, nhà trường còn phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố Ninh Bình, Trạm Y tế phường Phúc Thành và các phòng khám răng trên địa bàn tổ chức khám răng miệng cho các em lứa tuổi 4-5 tuổi. Qua đó nhằm phát hiện những bất thường ban đầu về răng miệng như: Sâu răng, vôi răng, nha chu… Đồng thời, với những kiến thức của mình, các bác sĩ nha khoa sẽ cung cấp cho trẻ những kiến thức cơ bản nhất nhằm phòng ngừa các bệnh về răng miệng, như việc đánh răng đúng cách, số lần đánh răng tối thiểu trong ngày, biết chọn các thức ăn có lợi cho răng, những đồ ăn không nên ăn nhiều vào buổi tối, hạn chế ăn bánh kẹo ngọt, phòng ngừa một số thói quen xấu như cắn, xé, nhai những vật cứng, dai, có hại cho răng... Hơn nữa, việc tổ chức khám răng tại trường còn giúp các em học sinh làm quen với bác sĩ nha khoa, tìm hiểu về công việc và các dụng cụ điều trị, tạo thói quen khám răng định kỳ, giúp trẻ làm quen với việc tham gia điều trị răng miệng để có hàm răng khỏe mạnh, nụ cười đẹp và tự tin trong giao tiếp.
Được biết, những năm gần đây, các nhà trường, nhất là trường mầm non và tiểu học đã quan tâm đến chương trình Nha học đường. Chương trình cũng nhận được sự triển khai, phối kết hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục trong việc xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch cũng như nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, từ đó hoạt động nha học đường từng bước có sự chuyển biến, số học sinh được chăm sóc răng miệng đúng cách ngày càng tăng.
Theo đó, chương trình Nha học đường được quy định gồm 4 nội dung chính: 100% học sinh mẫu giáo và tiểu học được giảng dạy kiến thức về chăm sóc răng miệng theo giáo trình có sự thống nhất và phối hợp giữa hai ngành Y tế và Giáo dục; súc miệng với dung dịch Fluor 0,2 % và chải răng với kem có Fluor hàng tuần tại các trường học; học sinh được khám, phát hiện và điều trị răng miệng, đảm bảo công tác vệ sinh vô trùng và trám bít hố rãnh để phòng ngừa sâu răng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở hầu hết các nhà trường, chương trình Nha học đường mới chỉ dừng lại ở hai nội dung đầu tiên là giáo dục kiến thức về nha khoa và dạy học sinh về ý thức chăm sóc sức khỏe răng miệng. Các nhà trường đều có phòng y tế và nhân viên y tế, nhưng việc chăm sóc răng miệng còn chưa được quan tâm, do thiếu trang thiết bị, trình độ nguồn nhân lực và nguồn kinh phí cho hoạt động này còn có mức độ, từ đó chương trình Nha học đường phòng ngừa sâu răng cho trẻ không đạt được kết quả như mong muốn.
Cùng với đó, quan niệm của nhiều phụ huynh học sinh cho rằng "răng sữa không quan trọng", nên chưa có ý thức phòng bệnh răng miệng cho con, còn để con ăn nhiều bánh kẹo, uống sữa buổi tối mà không vệ sinh sạch sẽ. Bác sĩ Lã Văn Dương chia sẻ, thông thường các răng vĩnh viễn sẽ mọc ở ngay vị trí răng sữa vừa rụng. Với áp lực từ răng vĩnh viễn, chân răng sữa sẽ bị tiêu đi và rụng, nhường chỗ cho răng vĩnh viễn, dẫn tới hiện tượng răng mới mọc phía sau hoặc bên cạnh răng cũ. Nếu được điều chỉnh kịp thời (loại bỏ răng sữa), răng vĩnh viễn sẽ về đúng vị trí, từ đó sẽ có hàm răng đều, đẹp. Nếu tình trạng sâu răng, sún răng không được điều trị sẽ gây đau nhức khiến trẻ không ăn được, dẫn tới cơ thể thiếu chất, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Và về lâu dài, gây ra những dị tật, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sức khỏe toàn cơ thể.
Do vậy, vì một tương lai giúp trẻ em có "nụ cười tỏa sáng", chương trình Nha học đường cần được quan tâm thực hiện tốt hơn. Ngoài sự phối kết hợp của ngành Y tế và Giáo dục, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình, giáo dục cho trẻ cách "phòng" quan trọng hơn "chữa" và coi "cái răng, cái tóc là góc con người" để giáo dục học sinh ý thức giữ gìn vệ sinh răng miệng luôn sạch sẽ, cơ thể khỏe mạnh, tự tin trong giao tiếp với nụ cười rạng rỡ.
Bài, ảnh: Hạnh Chi