Khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển mạnh trên mọi lĩnh vực, năng suất, sản lượng, giá trị sản xuất đều tăng, vấn đề tiêu thụ sản phẩm đã có dấu hiệu tích cực. Trong sản xuất lúa, tỉnh ta đã đưa vào gieo trồng các giống lúa mới có chất lượng cao như QR1, Bắc Thơm số 7... với những phương thức gieo mới, trong đó có sự liên kết bao tiêu sản phẩm tại một số xã thuộc huyện Yên Khánh. Ngoài liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa sau thu hoạch, những năm qua, việc ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản cho nông dân đã hình thành và diễn ra khá phổ biến, nhất là trong sản xuất các cây trồng vụ Đông. Nhờ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, một số cây trồng có giá trị kinh tế cao đã được nông dân tiếp thu áp dụng như: ớt xuất khẩu, dưa bao tử, ngô ngọt, cà chua… Bước đầu đã đem lại hiệu quả, cơ cấu cây trồng phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu của địa phương. Một số doanh nghiệp lớn (Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty cổ phần Giống con nuôi Ninh Bình, Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Hồng Quang...) đã chủ động tìm kiếm thị trường, ký hợp đồng sản xuất, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và thu mua sản phẩm cho người nông dân để chế biến xuất khẩu.
Mặc dù đã hình thành và xuất hiện các mô hình liên kết trong tiêu thụ hàng nông sản cho bà con nông dân, nhưng số lượng hàng hóa được bao tiêu với giá cả hợp lý còn rất ít so với tổng khối lượng sản phẩm nông nghiệp tỉnh ta sản xuất ra. Theo ý kiến của một số chủ doanh nghiệp, trang trại, chủ nhiệm HTX thì vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra phần lớn bán trên thị trường tự do, giá cả bấp bênh, không qua hợp đồng với các nhà cung ứng chuyên nghiệp nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Khi các doanh nghiệp, HTX muốn mở rộng quy mô sản xuất thì lại lo lắng không tiêu thụ được hàng hóa, dẫn đến thua lỗ. Hoặc muốn tập trung đầu tư cho việc sản xuất nông sản theo hướng đảm bảo quy trình chất lượng cao, thực phẩm an toàn thì rất khó cạnh tranh về giá với các loại hàng hóa nông sản trôi nổi trên thị trường.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ nhiệm HTX Hợp Tiến (xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh) cho biết: Trước đây, HTX làm dịch vụ nông nghiệp là chính, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, việc tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị cao khá khó khăn đối với HTX và bà con xã viên. HTX đã thử nghiệm đưa 2 ha dưa chuột bao tử trồng trên đất 5% nhưng vẫn không thành công do khó khăn trong phương thức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, HTX quy hoạch, chỉnh trang lại đồng ruộng, dồn điền, đổi thửa tạo ra những ô, thửa ruộng lớn thuận lợi trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Hiện nay, HTX có 10 ha đất sản xuất tập trung và 20 ha đất trang trại. Tuy nhiên, HTX chỉ ký được hợp đồng trồng và tiêu thụ 4 ha cà chua bi với Công ty cổ phần á Châu, còn lại rất nhiều diện tích bà con xã viên trồng các cây trồng mới có sản phẩm sau thu hoạch phải tự bán ra thị trường tự do bị tư thương ép với giá rất thấp. Ví dụ như vụ cà chua vừa rồi, giá cà chua ở chợ lên tới 13-14 nghìn đồng/kg, nhưng xã viên bị ép giá bán ra chỉ với giá 7 nghìn đồng/kg, nếu không bán thì càng thua lỗ. Do vậy, khi HTX chủ động lên kế hoạch sản xuất thì khó khăn nhất vẫn là vấn đề tiêu thụ và giá cả hàng nông sản khi tiêu thụ.
Về vấn đề tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Trịnh Xuân Kim (Doanh nghiệp tư nhân Kim Dâng) cho biết: Là đơn vị chuyên chăn nuôi lợn siêu nạc và cung cấp lợn giống, lợn thịt, mỗi năm doanh nghiệp cung cấp ra thị trường trên 800 con lợn giống và hơn 60 tấn lợn hơi. Mặc dù đã xây dựng được thương hiệu cho mình, nhưng doanh nghiệp vẫn gặp phải khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm, có thời điểm phải bán với giá thấp để bù đắp chi phí.
Tiêu thụ sản phẩm qua sàn giao dịch - cơ hội mới cho các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp
Để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác tại tỉnh ta thì vấn đề tiêu thụ hàng nông sản cho nông dân, các HTX nông nghiệp, tổ hợp tác cần được giải quyết thông qua các mô hình khác nhau. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các sàn giao dịch điện tử là xu hướng phát triển chung của thương mại thời kỳ mới. Đây là một phương thức mua bán minh bạch, hiện đại, tiện lợi giúp các HTX chủ động trong việc lập kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và nâng cao chất lượng hàng nông sản.
Theo ông Nguyễn Thành Lưu, Tổng Giám đốc Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội: Khi liên kết tiêu thụ hàng nông sản qua sàn giao dịch, các HTX, tổ hợp tác sẽ được kết nối tiêu thụ với hàng nghìn đầu mối tiêu thụ trên thị trường. Các HTX không cần tốn nhiều thời gian và chi phí để tìm kiếm các chuỗi giá trị, các đầu mối mua hàng như trước mà thông qua giao dịch trên sàn sẽ giúp tăng vị thế của HTX tổ hợp tác, bán được giá cao hơn nhờ cắt giảm các khâu trung gian không cần thiết. Tất nhiên khi tham gia giao dịch trên sàn, các nhà sản xuất phải cạnh tranh với nhau thông qua chất lượng, giá cả và dịch vụ. Điều đó đòi hỏi các HTX, tổ hợp tác phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, giúp phân bổ lại cơ cấu sản xuất cho phù hợp với thị trường.
Tại Ninh Bình, Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng và thực hiện chương trình liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Ninh Bình chủ yếu là quy mô nhỏ, manh mún với số doanh nghiệp phù hợp để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông nghiệp chưa nhiều nên Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội sẽ hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác theo 2 cách: Đối với HTX (hoặc tổ hợp tác) đã tham gia hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp đầu mối, Sàn giao dịch sẽ hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm cho Doanh nghiệp, qua đó tạo hiệu ứng thúc đẩy sự phát triển của các HTX, tổ hợp tác.
Với HTX, tổ hợp tác đang sản xuất và tự tiêu thụ sản phẩm, Sàn giao dịch sẽ triển khai hỗ trợ một số nội dung như đào tạo, kỹ năng lập kế hoạch và quản trị sản xuất nhóm; tư vấn hỗ trợ xây dựng thương hiệu nhóm, hỗ trợ kết nối với các đầu mối mua hàng phù hợp qua Sàn giao dịch rau quả - thực phẩm an toàn Hà Nội để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội sẽ hỗ trợ các HTX kết nối nguồn vốn và hỗ trợ giao dịch mua vật tư nông nghiệp đầu vào qua sàn. Theo kế hoạch, tỉnh Ninh Bình sẽ chọn một số HTX nông nghiệp trên địa bàn để triển khai thí điểm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua sàn giao dịch, sau đó rút kinh nghiệm và triển khai ra diện rộng.
Như vậy, khi tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua sàn giao dịch sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác. Không chỉ giúp tiêu thụ sản phẩm, Sàn giao dịch còn giúp các HTX tổ chức lại sản xuất theo hình thức mới phù hợp với cơ chế thị trường, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Cũng theo ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ nhiệm HTX Hợp Tiến: Hiện nay, HTX đã chủ động được nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và kỹ thuật sản xuất một số cây trồng mới như cà chua bi, ngô ngọt, dưa chuột bao tử… để sản xuất ra sản phẩm rau an toàn. Với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất hàng hóa tập trung, HTX đang tìm kiếm các đối tác để liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Vì vậy, Sàn giao dịch tiêu thụ hàng hóa nông nghiệp sẽ giúp HTX chủ động trong việc lập kế hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất lên nhiều lần so với trước đây. Đây sẽ là cơ hội lớn để các HTX trong tỉnh nói chung và HTX nông nghiệp Hợp Tiến nói riêng đổi mới cách thức làm ăn một cách hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường.
Hồng Giang