Hiệu quả từ việc liên kết "4 nhà"
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho chúng tôi biết, năm 2012, huyện Yên Khánh đã triển khai dự án "Xây dựng cánh đồng kiểu mẫu sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao" với diện tích 700 ha ở 7 xã (Khánh Cư, Khánh Vân, Khánh Hải, Khánh Nhạc, Khánh Hội, Khánh Mậu, Khánh Thủy) theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đây là cánh đồng mẫu lớn đầu tiên của tỉnh ta và được áp dụng mô hình liên kết 4 nhà nhằm thâm canh lúa hiệu quả, bền vững theo hướng GAP, tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng cao. Với mô hình này, người nông dân thực sự được hưởng lợi bởi sự hỗ trợ của nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp. Ông Hoàng Anh Tuấn, xã Khánh Nhạc cho biết: Sau khi tham gia sản xuất vào cánh đồng mẫu lớn, chúng tôi được tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch; các đơn vị được hỗ trợ mua máy gặt đập liên hợp để cơ giới hóa khâu thu hoạch. Nhờ áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật trong tất cả các khâu, từ gieo cấy, chăm bón đến khi thu hoạch nên trong 2 vụ sản xuất vừa qua, năng suất lúa đạt từ 230 - 260 kg/sào (64-72 tạ/ha) ở vụ xuân; vụ mùa đạt 200 - 220 kg/sào (tương đương 50 - 60 tạ/ha) và cao hơn so với sản xuất đại trà khoảng 10%.
Để đạt được hiệu quả trong liên kết "4 nhà", Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông huyện và Công ty TNHH Hồng Quang đã phối hợp tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân và lựa chọn những giống lúa phù hợp với chân đất từng vùng, đảm bảo cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon. Theo đó vùng dự án được đưa những giống lúa chất lượng cao có tiềm năng, năng suất LT2, Bắc thơm số 7, QR1 vào sản xuất.
Nói về hiệu quả của cánh đồng mẫu lớn, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho biết thêm: Với sự hỗ trợ, liên kết của "4 nhà" trong sản xuất, dự án đã đạt được hiệu quả cao và đảm bảo tốt 4 tiêu chí: Quy hoạch gọn vùng; tập trung cấy cùng giống, đồng trà; áp dụng cùng một tiến bộ trong thâm canh và tăng cường cơ giới hóa vào sản xuất, từ khâu sản xuất đến khâu thu hoạch. Hiện nay, huyện đã đảm bảo 100% diện tích cơ giới hóa trong khâu làm đất; ngoài ra mỗi xã được đầu tư 1-2 máy gặt đập liên hợp để thu hoạch, nâng tổng số máy gặt đập thu hoạch trong vùng dự án lên 25 máy. Một số đơn vị đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc gieo cấy bằng phương pháp gieo vãi, giải phóng sức lao động, giảm chi phí; 100% các hộ tham gia sử dụng phân bón Neb - 26 thay thế cho 50% lượng đạm Urê, hạn chế được sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất, hạn chế được ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Điều đáng mừng nhất là nhờ ứng dụng mô hình liên kết "4 nhà" trong dự án nên nhiều diện tích lúa của bà con được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cả hợp lý, điển hình như Tổng Công ty Lương thực miền Bắc đã tổ chức thu mua 100 tấn lúa thương phẩm. Như vậy có thể khẳng định, liên kết "4 nhà" thực sự hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng cánh đồng kiểu mẫu, làm gia tăng giá trị, hạn chế chi phí kinh doanh, đồng thời đảm bảo lợi ích cho nông dân.
Ngoài liên kết "4 nhà" trong xây dựng cánh đồng kiểu mẫu, những năm qua việc ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản cho nông dân diễn ra khá phổ biến tại tỉnh ta, nhất là trong sản xuất vụ đông. Nhờ liên kết "4 nhà" một số mô hình mới có giá trị kinh tế cao đã được nông dân tiếp thu áp dụng trong sản xuất như: ớt xuất khẩu, dưa bao tử, ngô ngọt,… bước đầu đã đem lại hiệu quả, cơ cấu cây trồng trở nên phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu của địa phương. Trong quá trình sản xuất vụ đông hàng năm, công tác tổ chức sản xuất và dịch vụ được tăng cường, các HTX đã chủ động xây dựng kế hoạch và dịch vụ giống vật tư để phục vụ sản xuất. Các doanh nghiệp tham gia tiêu thụ nông sản chủ yếu như: Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty cổ phần Giống con nuôi Ninh Bình, Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Hồng Quang, Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình và một số Công ty ở các tỉnh bạn đã chủ động tìm kiếm thị trường, ký hợp đồng sản xuất, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và thu mua sản phẩm cho người sản xuất để chế biến xuất khẩu.
Đảm bảo liên kết "4 nhà" hiệu quả, bền vững
Thực tế mô hình liên kết "4 nhà" đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nền nông nghiệp, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản cho bà con nông dân trong tỉnh. Tuy nhiên quá trình thực hiện mô hình liên kết còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Hiện nay, tại tỉnh ta các nhà máy chế biến, tiêu thụ hàng nông sản như Công ty cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Ninh Bình, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao… vẫn thu mua nguồn nguyên liệu trực tiếp từ các hộ nông dân, trang trại và đại diện hộ nông dân để sản xuất. Để có nguyên liệu ổn định thì các nhà máy, doanh nghiệp đã ký hợp đồng đầu tư ứng trước vốn, vật tư, giống và một phần kinh phí để các hộ nông dân tiến hành sản xuất. Tuy nhiên, khi thực hiện việc giao sản phẩm các nhà máy, doanh nghiệp bên sản xuất là các hộ nông dân, đại diện hộ nông dân chỉ giao trực tiếp một phần sản phẩm, phần còn lại họ tìm cách bán ra ngoài thị trường thu tiền mặt, trong khi vẫn đang nợ vốn đầu tư của doanh nghiệp. Một vấn đề bất cập nữa khi thực hiện liên kết là ý thức của người nông dân còn hạn chế, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà chưa thấy được tính ổn định lâu dài. Khi giá nông sản ngoài thị trường cao hơn giá các doanh nghiệp đã ký kết thì nông dân sẵn sàng phá hợp đồng chuyển sang cung ứng cho tư thương hoặc các doanh nghiệp khác để thu lợi nhuận. Chính tình trạng trên đã khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà khi xây dựng vùng nguyên liệu trên địa bàn, theo đó người nông dân cũng khó mở rộng quy mô sản xuất.
Theo đồng chí Trần Văn Bách, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng và hiệu quả, khả năng cạnh tranh cao, gắn sản xuất với chế biến thị trường cần đẩy mạnh mô hình liên kết "4 nhà" và giải quyết dứt điểm những khó khăn, hạn chế trên. Việc ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông dân ngay từ đầu vụ cần được bổ sung thêm những chế tài mang tính ràng buộc về mặt pháp lý. Tăng cường hướng dẫn kết hợp với giáo dục, vận động nhân dân thực hiên nghiêm túc hợp đồng đã ký kết. Có những biện pháp giám sát xử lý hành chính nhằm hạn chế thiệt hại kinh tế cho bên doanh nghiệp và nguồn ngân sách đã đầu tư. Việc triển khai chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng cần có sự tham gia của cả "4 nhà", trong đó Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ và bảo hộ quyền lợi cho các bên, nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao. Đồng thời củng cố, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ của các HTX nông nghiệp trong việc cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.
Theo ông Đinh Cao Khuê, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, để có những hợp đồng liên kết bền vững và mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân, các doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng cần nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm các đơn đặt hàng có giá trị để nâng cao giá trị sản phẩm, giá thành cho bà con nông dân.
Hồng Giang